+3

Làm quen với Array trong Ruby

Bài viết này nằm trong series Ruby cơ bản của mình. Là cơ bản nên chỉ là những kiến thức hết sức cơ bản cho các bạn mới làm quen với Ruby. Bài viết này mình xin đề cập với các bạn về mảng.

Mảng (Array) có lẽ là cấu trúc dữ liệu phổ biến nhất bạn sẽ sử dụng trong Ruby. Chúng cho phép bạn nhóm các dữ liệu lại với nhau thành một danh sách các phần tử.

Các phần tử trong mảng không cần phải cùng kiểu, chúng có thể là bất cứ điều gì, ngay cả các mảng khác nếu bạn muốn.

Array trong Ruby được kế thừa từ Object và nó include module Enumerable (bạn có thể đọc thêm về Enumerable qua bài viết khác của mình ở đây)

Khởi tạo một mảng

Dưới đây là một ví dụ về array:

[1, 2, "a", :b, [3, 4], String.new, nil]

Bạn cũng có thể khởi tạo một array bằng method new. Nó có thể có kích thước ban đầu và đối tượng mặc định. Nếu bạn không chỉ định bất kỳ đối số nào, nó sẽ tạo ra một mảng trống.

Array.new(2, :a) # => [:a, :a]
Array.new # => []
Array.new(3) # => [nil, nil, nil] 

Đối số thứ hai trong Array.new được sử dụng để điền vào mảng có tham chiếu đến đối tượng đó.

my_array = Array.new(2, :a)
my_array.first.object_id # => 751068
my_array.last.object_id # => 751068

Nếu bạn muốn khởi tạo mảng với các đối tượng riêng biệt, bạn cần truyền cho nó một khối.

Array.new(3) { |e| e + 4 } # => [4, 5, 6]

Và cách cuối cùng để bạn có thể khởi tạo mảng là dùng method Kernel.Array() (hoặc đơn giản chỉ cần Array()) và truyền object vào.

Array(1) # => [1]
Array("a") # => ["a"]
Array({"a": 1, "b": 2}) # => [[:a, 1], [:b, 2]]

Còn thông thường, ta hay sử dụng cách khai báo như trên ví dụ đầu bài viết 😃

arr = [1, 2, "a"]

Truy cập phần tử trong mảng

Khác với Hash truy cập theo key, ta truy cập đến phần tử trong mảng qua vị trí của nó. Trong mảng, các phần tử được đánh số từ 0.

Bạn có thể sử dụng các method [], slice, at với đối số là vị trí của phần tử trong mảng để truy cập đến phần tử đó.

Chỉ số âm thì sẽ được truy cập từ dưới lên. Ngoài ra thì còn có method first để truy cập phần tử đầu tiên, last để truy cập phần tử cuối cùng của mảng.

my_array = ["z", 2, "a", :b, [3, 4]]

my_array[0] # => "z"
my_array.first # => "z"
my_array.at(1) # => 2
my_array.slice(2) # => "a"
my_array[-1] # => [3, 4]
my_array.last # => [3, 4]

Còn một cách khác nữa là dùng method fetch với đối số là vị trí của phần tử trong mảng. Cách dùng fetch khác những cách bên trên ở việc nó sẽ trả về lỗi khi mà mảng không có phần tử nào với thứ tự truyền vào, những method kia sẽ trả về nil.

my_array = [:a, :b]

my_array.fetch(1) # => :b
my_array.fetch(4)
# => IndexError (index 4 outside of array bounds: -2...2)
my_array.fetch(4, "Don't go beyond #{my_array.size-1}")
# => "Don't go beyond 1"

my_array[4] #=> nil

Cách lấy ra nhiều phần tử

Phía trên mới chỉ đề cập đến việc mỗi lần chỉ lấy ra một phần tử duy nhất. Hãy xem để lấy ra nhiều phần tử trong mảng như thế nào.

Bạn có thể dùng cách chỉ rõ chỉ số bắt đầu và kết thúc, hoặc là khoảng của chỉ số, ví dụ:

my_array = [1, 2, 3, 4, 5, 6]
my_array[2, 2] # => [3, 4]

my_array[0..1] # => [1, 2]
my_array[2..-1] # => [3, 4, 5, 6]

Method take với đối số dùng để lấy ra một số lượng các phần tử đầu tiên. Nếu muốn lấy 3 phần tử đầu tiên thì bạn chỉ cần gọi take(3) như sau:

[1, 2, 3, 4, 5].take(3) # => [1, 2, 3]

Tương tự, bạn có thể lấy ra một số lượng các phần tử cuối cùng của mảng bằng cách bỏ đi một số phần tử đầu tiên, bằng method drop.

my_array = [1, 2, 3, 4, 5]
my_array.drop(2) # => [3, 4, 5] 
my_array # => [1, 2, 3, 4, 5]

Kiểm tra giá trị có tồn tại hay không

Đầu tiên và rõ ràng nhất là để xem nếu một phần tử có tồn tại ở tại một chỉ mục cụ thể. Và bạn đã biết làm thế nào để điều đó.

[1, nil].slice(0) # => 1
[1, nil].slice(5) # => nil
[1, nil].slice(1) # => nil

Như thấy ở trên, làm như này với mảng có phần tử nil sẽ gây chút hiểu nhầm.

Nếu bạn muốn kiểm tra xem mảng có chứa phần tử với giá trị cụ thể nào đó không, bạn có thể sử dụng method any? hoặc là include? như sau.

[1, 2, 3].any? { |n| n == 3 } # => true
[1, 2, 3].any? { |n| n == 4 } # => false

[1, 2, 3].include?(1) # => true
[1, 2, 3].include?(4) # => false

Khi mà bạn muốn trả về kết quả là giá trị đang kiểm tra hoặc là chỉ số của phần tử đó, ví dụ cần tìm phần tử có chữ cái đầu tiên là d, ta có thể dùng method find hoặc find_index như sau:

["abc", "bcd", "dfg", "ghk", "dd"].find { |e| e =~ /^d.*/ } # => "dfg"

["abc", "bcd", "dfg", "ghk"].find_index { |e| e =~ /^d.*/ } # => 2

Lưu ý ở đây là method findfind_index sẽ trả về phần tử đầu tiên trong mảng thoải mãn điều kiện.

Tính tổng của mảng các số

Bạn có 2 cách để làm và nên chọn method nào là tùy thuộc vào ngữ cảnh. Cách đơn giản nhất là với sum.

[1, 2, 3].sum # => 6

Lưu ý là nếu phần tử là string thì sum vẫn hoạt khi bạn truyền đối số vào cho nó như sau:

["a", "b", "c"].sum("") # => "abc"

Cách còn lại là bạn có thể sử dụng inject hoặc reduce (hai method này chỉ là định nghĩa tên khác nhau, còn công việc thực hiện thì như nhau, một số phiên bản Ruby sẽ khuyến cáo dùng reduce).

[1, 2, 3].inject(:+) # => 6
[1, 2, 3].inject {|sum, n| sum + n } # => 6
[1, 2, 3].reduce(:+) # => 6
[1, 2, 3].reduce {|sum, n| sum + n } # => 6

Lấy ra ngẫu nhiên phần tử

Đơn giản nhất là bạn hãy dùng method sample để lấy ra ngẫu nhiên 1 hoặc nhiều phần tử trong mảng, như ví dụ sau:

[1, 2, 3, 4, 5, 6].sample # => 4
[1, 2, 3, 4, 5, 6].sample(3) # => [2, 1, 4]

Xóa các phần tử trùng nhau

Ruby cung cấp cho ta method uniq - trả về mảng mới sau khi đã loại bỏ các phần tử trùng lặp.

[1, 1, 2, 2, 3].uniq # => [1, 2, 3]
[1, 2, 1, 4, 3, 3, 1].uniq # => [1, 2, 4, 3] 

Sắp xếp mảng

Ta sẽ dùng method sort - mặc định sắp xếp theo thứ tự tăng dần. Hoặc bạn có thể truyền một block vào method sort để chỉ ra cách ta so sánh hai phần tử trong mảng như nào để sắp xếp lại mảng. Nếu muốn sắp xếp mảng giảm dần, bạn có thể làm như sau:

[3, 2, 4].sort { |a, b| b <=> a } # => [4, 3, 2]

Hoặc có thể kết hợp sort thông thường và reverse như sau:

[3, 2, 4].sort.reverse # => [4, 3, 2]

Ngoài ra, khi xử lý với dữ liệu phức tạp hơn, bạn có thể sử dụng method sort_by để có hiệu quả tốt hơn.

names = [{name: "John", age: 10}, {name: "Jane", age: 12}, {name: "Bill", age: 13}]
names.sort_by { |h| h[:name] }
# => [{:name=>"Bill", :age=>13}, {:name=>"Jane", :age=>12}, {:name=>"John", :age=>10}]
 names.sort_by { |h| h[:age] } 
 # => [{:name=>"John", :age=>10}, {:name=>"Jane", :age=>12}, {:name=>"Bill", :age=>13}] 

Xóa phần tử rỗng trong mảng

Giả sử bạn đang muốn lấy ra một mảng con từ một mảng ban đầu sau khi đã loại hết phần tử rỗng, bạn có thể truyền một block vào method inject như sau:

["a", "", "b", " "].reject(&:empty?) # => ["a", "b", " "]

Và có thể kết hợp với strip để có kết quả đẹp hơn:

["a", "", "b", " "].reject { |e| e.strip.empty? } # => ["a", "b"]

Bonus thêm cho các bạn method compact - loại bỏ hết tất cả phần tử nil ở trong mảng.

["a", "", "b", " ", nil].reject { |e| e.strip.empty? } # => ["a", "b"]
# => NoMethodError (undefined method `strip' for nil:NilClass)

["a", "", "b", " ", nil].compact # => ["a", "", "b", " "] 
["a", "", "b", " ", nil].compact.reject { |e| e.strip.empty? } # => ["a", "b"]

Gộp các mảng lại với nhau

Cách thứ nhất đơn giản là dùng toán tử +

[1, 2] + [2, 3, 4] # => [1, 2, 2, 3, 4]

Có thể thấy là phần tử 2 bị lặp lại, và nếu điều này bạn không mong muốn thì ta có thể chuyển qua sử dụng |.

[1, 2] | [2, 3, 4] # => [1, 2, 3, 4]

Ở cả hai cách bên trên thì ta sẽ tạo ra một mảng mới, nếu muốn thay đổi ngay trên mảng đang có, bạn có thể làm như sau:

my_array = [1, 2]
my_array += [2, 3, 4] # => [1, 2, 2, 3, 4]

Kết hợp mảng thành chuỗi

Bạn có thể dùng join (có đối số nếu cần) để nối các phần tử trong mảng thành một chuỗi.

["a", "b", "c"].join # => "abc"
["a", "b", "c"].join(" ") # => "a b c"

Còn muốn ngược lại từ chuỗi thành mảng thì bạn có thể dùng chars hoặc split.

"abc".chars # => ["a", "b", "c"]
"abc".split("") # => ["a", "b", "c"]

Vòng lặp qua mảng

Có nhiều method hỗ trợ bạn chạy vòng lặp qua các phần tử trong mảng.

  • each: dùng khi bạn không mấy quan tâm đến chỉ số
  • each_with_index: dùng để lấy ra cặp giá trị - chỉ số
  • each_index: chỉ lấy ra chỉ số
  • map: khi muốn từ một mảng ban đầu sinh ra một mảng mới
  • select: khi muốn lấy ra một mảng con theo điều kiện
  • inject: dùng để đưa ra một kết quả duy nhất từ các phần tử của mảng

Kết

Hi vọng bài viết sẽ có ích với bạn.

Tham khảo


All Rights Reserved

Viblo
Let's register a Viblo Account to get more interesting posts.