[iOS] [Swift] Tôi không biết phải viết gì cả.
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 6 năm
"Tôi không biết phải viết gì cả! Tôi thật sự đã suy nghĩ rất nhiều nhưng vẫn không biết viết cái gì cả". Đó là điều mà hầu hết người ở xung quanh mình khi đến ngày phải viết Viblo. Nhưng, đối với bản thân mình, thì viết hay không nó cũng bình thường, không có gì phải lo lắng cả
Hôm nay nói về vấn đề phỏng vấn với trình độ từ midle trở lên đến gần như một senior của một iOS Developer.
Đầu tiên, giới thiệu bản thân: người ta sẽ muốn bạn giới thiệu bản thân, chắc chắn là thế rồi, lúc này thì nên giới thiệu tên, tuổi, đến từ đâu, kinh nghiệm làm việc như thế nào. Giai đoạn này chỉ cần biết sơ vậy thôi, tên và tuổi để xưng hô, đến từ đâu để có thể thông cảm nếu bạn vô tình nói giọng địa phương làm họ không nghe hiểu., kinh nghiệm làm việc để xem thử mình đã từng làm những công ty nào trong từng ấy năm. Điều này là cần thiết đấy, đừng tưởng những cái đó có trong CV thì không cần nói ra vì những người phỏng vấn bạn rất ít khi đọc trước CV của bạn, đến giờ phỏng vấn thì HR sẽ vứt CV của bạn cho họ và cứ thế vào phòng mà phỏng vấn thôi, không có ai rảnh xem trước vài ngày đâu .
Sau đó, người ta sẽ hỏi bạn có biết các công nghệ mới hay không, vì mình không còn là newbie nữa, không phải mới tiếp xúc với kỹ thuật. Có thể sẽ hỏi những cái hot trend, những xu hướng thời thượng, để xem bạn có là một người chủ động với nghề hay không, đến tầm 2 3 năm kinh nghiệm thì việc hỏi về Blockchain, Machine Learning, AI, Big Data... hay đơn giản phân biệt AR và VR, là những thứ phải biết và nắm được nguyên lý, dù mình chưa từng làm. Nếu họ hỏi những thứ này, và bạn không trả lời được bất cứ cái gì trong này thì bạn đã đánh mất nhiều điểm từ nhà tuyển dụng. Người ta sẽ đánh giá bạn là một người không có sự cập nhật những cái mới, thụ động và bạn sẽ bị loại trong chiến dịch dự trù nhân lực cho các dự án công nghệ mới của công ty trong tương lai.
Tiếp theo, sẽ là kinh nghiệm làm việc thực tế. Sẽ dựa vào những project mà bạn viết trong CV mà hỏi bạn về vài vấn đề trong dự án đó như: technical, issue, solution,... Thường là những tính năng đặc sắc, mang nét riêng nổi bật trong dự án đó. Lưu ý, không còn đơn thuần là những gì bạn làm trong dự án mà là cả dự án nó làm gì, mỗi project ghi trong CV bắt buộc bạn phải nắm được nó làm gì và cách làm như thế nào. Nắm hết dự án thì ghi, không thì thôi khỏi cần ghi gì cho mất công. Người ta hỏi rồi ú ớ không trả lời được thì lại mất điểm. Ví dụ: Có tham gia 1 dự án về nhận diện khuôn mặt, thì người ta hỏi cách xử lý ảnh và làm mịn như thế nào thì nói là em không biết, em chỉ chỉnh buttton, đổi font chữ với tải ảnh trong đó thôi thì ôi thôi, không còn hứng thú để hỏi luôn.
Tiếp, tới lúc này thì người ta đã có đánh giá sơ bộ với mình rồi. Người ta có lẽ sẽ hỏi mình cách giải quyết vấn đề. Sẽ hỏi những vấn đề khó khăn mình đã gặp phải trong quá trình làm việc và cách giải quyết như thế nào. Sau đó thì là những vấn đề mà dự án người ta đã hoặc đang gặp phải, xem mình có hướng hoặc cách giải quyết không, biết đâu mình có cách giải quyết hay thì người ta tuyển thẳng vô làm ngày, biết đâu được .
Sau giai đoạn này thì sẽ hỏi về basic knowledge. Ở đây không còn đơn thuần hỏi kiến thức mặc nổi kiểu định nghĩa, cách dùng và ứng dụng vào code thực tế, mà sẽ đi sâu vào bản chất, ý nghĩa bên trong những ký tự được ghi trong code. Việc hiểu bản chất rất quan trọng trong khả năng code của mình. Muốn đi nhanh thì học kiểu ăn liền, code chạy trước tìm hiểu sau, muốn đi nhanh thì phải hiểu bản chất thật sâu, thật chắc. Muốn xây nhà cấp 4 thì chỉ cần móng gạch, nhưng muốn xây cao ốc chắc chắn phải đổ bê tông. Cái quan trọng để đánh giá năng lực cũng như tiềm năng của một developer trong việc code đó là có nắm vững kiến thức cơ bản hay không, những người nắm chắc kiến thức nền, dù không tìm hiểu những cái hot, cái mới, nhưng vẫn được đánh giá cao và đặt nhiều kỳ vọng vì họ học cái gì cũng mau, cũng nhanh, nắm vững cái mới nhanh hơn những người không nắm chắc các kiến thức cơ bản.
Đến lúc này thì coi như là phỏng vấn xong. Cũng có thể có một ông pm hỏi vài vấn đề về thái độ làm việc, về teamwork, ...
Cuối cùng thì họ sẽ hỏi có lời gì muốn hỏi lại họ không, thủ tục rồi nhưng lúc nào cũng có. Nếu không có thì nên xem xét lại thái độ lúc đó của họ với mình.
Xong, gửi kết quả sớm nhất có thể và bắt tay ra về.
Xin hết.
Ghi chú: Trong bài có một vài từ tiếng Anh, mong các bạn thông cảm. Và có một điều quan trọng là chỉ có tự thân cảm nhận thì mới biết được mức độ, áp lực phỏng vấn ở mức như thế nào, vì tuỳ là cùng một quá trình nhưng mức độ phỏng vấn nặng nhẹ tuỳ thuộc vào trình độ của người bị phỏng vấn và của cả người phỏng vấn bạn .
All rights reserved