+1

Hướng dẫn chọn bản phân phối Linux cho người mới bắt đầu

I. Giới thiệu

Ở bài viết đầu tiên trong series, mình đã giới thiệu chung khái quát về Linux: đối tượng sử dụng, định nghĩa, ưu điểm so với Windows. Hôm nay sẽ mình sẽ chia sẻ một vài trải nghiệm cá nhân khi sử dụng các bản phân phối Linux và cách chọn bản phân phối phù hợp với bạn. Hy vọng sẽ hữu ích cho các bạn có hứng thú hoặc đang tìm hiểu về Linux. Các chi tiết dưới đây đều là trải nghiệm cá nhân khi sử dụng Linux, không có ý phân biệt cái nào là tốt nhất, chống chỉ định cho người dùng Unix, Arch Linux, Slackware, v.v

Đối với Windows và MacOS, bạn chỉ có 1 lựa chọn và Microsoft và Apple sẽ không hài lòng với việc bạn táy máy tò mò chỉnh sửa cái hệ điều hành con cưng của họ đâu. Ngược lại với Linux, bạn có quá nhiều lựa chọn đến nỗi đây thậm chí có thể xem là 1 điểm trừ của Linux. Mình có một thói quen khi vào cửa hàng mua đồ đó là chọn thứ rẻ nhất đầu tiền, thử nó, cảm thấy không hài lòng và tiếp tục thử hết một lượt vài cái khác sau đó cuối cùng quay lại chọn cái đầu tiên. Cũng không rõ cái thói quen này có từ bao giờ và mình cũng thắc mắc là không biết bạn bè người quen của mình có ai giống như vậy không ? Chắc là tại tiền ít nhưng lại thích hít đồ thơm + ham của lạ. Mình cũng đã làm y chang thói quen như thế với Linux. Vậy mới có nội dung để mà viết bài này chứ 😄

II. Các bản phân phối Linux (mà mình đã thử qua)

Ban đầu khi mới tiếp xúc với Linux qua khoá học Hệ điều hành ở trường đại học, mình thực sự không mấy ấn tượng gì với nó lắm ( có lẽ vì lúc ấy đang mải mê với những thứ khác). Hệ điều hành dựa trên Linux mà mình sử dụng đó là Ubuntu. Giảng viên chỉ cho các đồ án với yêu cầu như là hãy viết một vài chương trình C đơn giản (dạng như HelloWorld), viết một Unix Shell bằng C, viết một kernel module bằng C và chèn nó vào kernel. Mình cũng có bỏ chút thời gian tìm hiểu và làm bài tập nhưng tuyệt nhiên không có chút hứng thú nào cả, may mắn là vẫn qua được môn 😃 . Mình còn có hơi coi thường nó một chút vì cảm giác sử dụng terminal thì dở hơi hơn so với sử dụng giao diện như Windows. Đây có lẽ là sai lầm rất lớn của mình và bây giờ mình đang khá là hối hận vì đã không biết đến Linux sớm hơn.

image.png

Logo của Ubuntu

Ubuntu là một trong những bản phân phối phát hành lần đầu tiền vào năm 2004 dựa trên Debian - một bản phân phối có từ năm 1993 của hệ điều hành GNU/Linux. Ubuntu khá phổ biến trong số anh chị em nhà Linux và được phát hành bởi Canonical Ltd - một công ty tư nhân được thành lập và được tài trợ bởi doanh nhân người Nam Phi Mark Shuttleworth để hỗ trợ thương mại và dịch vụ cho Ubuntu Linux và các dự án liên quan. May mắn là Ubuntu có hỗ trợ giao diện người dùng, mặc dù không được đầy đủ như Windows nhưng cũng tạm chấp nhận được. Ưu điểm chính của Ubuntu so với các bản phân phối khác là thân thiện với người dùng, diễn đàn & cộng đồng lớn, tài liệu hướng dẫn & hỏi đáp phong phú.

Sau khi học Ubuntu ở trường, mình có thử vọc vạch một số bản phân phối Linux sau đây:

  • Linux Mint:(dựa trên Ubuntu) với giao diện người dùng cải tiến hơn cả Ubuntu

image.png

sử dụng bộ nhớ ít hơn, trình quản lý phần mềm hoạt động nhanh hơn, quản lý nguồn phần mềm nhiều tính năng hơn, ứng dụng Timeshift giúp sao lưu trạng thái v.v Mình nhớ là đã tạo 1 cái USB boot từ ISO Linux Mint và cài đi cài lại nó gần cả 30 lần trên cái laptop Dell Inspiron cùi bắp của mình chỉ để thành thạo quy trình cài đặt 1 hệ điều hành GNU/Linux. Mình đánh giá đây là 1 trong nhưng distro giống với Windows nhất về mặt giao diện (cửa sổ, thư mục, cài đặt, taskbar, start menu, v.v

  • Lubuntu: phiên bản tinh gọn của Ubuntu. Mình cài nó sau khi cảm giác con Laptop vẫn còn chậm mặc dù đã gỡ Windows 10 và cài Ubuntu. Lubuntu có thể vận hành trên máy tính chỉ với 1G RAM vì nó gọn nhẹ hơn về kích cỡ ISO cài đặt và các ứng dụng có sẵn. Về tính năng cốt lõi, Lubuntu không quá khác biệt so với Ubuntu nhưng về giao diện thì đơn giản và có phần thô hơn vì sử dụng LXQt. Tất nhiên bạn vẫn có thể thay đổi môi trường giao diện desktop theo sở thích được vì tính dễ dàng chỉnh sửa của GNU/Linux mà.

image.png

  • Kali Linux: dành cho dân làm về bảo mật vì bản phân phối này cài đặt sẵn các bộ công cụ chuyên dùng để thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, tấn công, khai thác lỗ hổng, bắt trộm gói tin, pháp y số, báo cáo v.v Đây cũng là bản phân phối mình sử dụng để học môn An ninh máy tính và thực hành một số bài thực hành ví dụ như tấn công từ chối dịch vụ, SQL Injection, tạo chứng chỉ cho HTTPS. Mình khá là thích cái shell mặc định Zsh của Kali vì nó đẹp mắt và hữu dụng hơn so với Bash hay Sh Thực sự khi boot cái hệ điều hành này lên mình có cảm giác giống như đang làm hacker thật vậy, mặc dù kiến thức về mảng này của mình còn khá hạn chế. Tuy nhiên vì có sẵn nhiều công cụ như vậy nên Kali nặng hơn so với các bản phân phối khác mà mình đã sử dụng.

image.png

  • CentOS: một phiên bản miễn phí của Red Hat Enteprise Linux. Vì dựa trên bản phân phối Linux của tập đoàn Red Hat nên chắc về độ ổn định thì chắc sẽ hơn hẳn các bản phân phối khác rồi. Ngoài ra cách cấu hình, cấu trúc các file cài đặt, tên các dịch vụ trên CentOS cũng khác các bản phân phối trên 1 chút nhưng không nhiều. Thay vì sử dụng apt để cài các gói phần mềm thì sẽ sử dụng lệnh yum.

image.png

III. Nên chọn bản phân phối nào ?

Hầu hết các bản phân phối của hệ điều hành dựa trên Linux đều có khá nhiều điểm tương tự nhau. Bản chất của chúng vẫn có những thành phần cốt lõi của 1 hệ điều hành tương tự Unix như Windows hay MacOS, chỉ khác ở một số đặc điểm về hệ thống tập tin, mạng, tiến trình, đĩa, giám sát hệ thống, dịch vụ, bảo mật v.v Như mình đã đề cập ở phần 1, tuỳ theo nhu cầu sử dụng mà bạn chọn ra bản phân phối Linux phù hợp. Nếu ban đầu muốn học làm quen với Linux, mình khuyên là hãy chọn Ubuntu vì nó thân thiện với người mới (hoặc Linux Mint). Nếu muốn vọc vạch hacking các thứ, hãy thử với Kali Linux vì nó có gần như tất cả những gì bạn cần. Nếu muốn vận hành server ổn định, hãy chọn các bản phân phối như Red Hat Enteprise Linux, CentOS, Fedora. Nếu muốn thử thách bản thân hơn nữa, hãy chọn Arch Linux, Slackware. Ngoài ra nếu thích bạn cũng có thể sử dụng thử Gentoo, openSUSE, Fedora, FreeBSD, v.v Bất kể bạn lựa chọn phân phối Linux nào, hãy nhớ chúng chỉ là công cụ để giải quyết vấn đề và phục vụ nhu cầu người dùng sử dụng, Vì vậy đừng lo lắng hay dành quá nhiều thời gian suy nghĩ về lựa chọn tốt nhất. Thay vào đó hãy thử bản phân phối mà mình cảm thấy thích. Mình chúc bạn tìm được tình yêu với Linux.


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí