Học một thứ gì đó mới?
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 5 năm
Vấn đề ai cũng gặp phải
Khi lướt lên các diễn đàn, tôi gặp phải hàng tá câu hỏi tựa tựa như "Em đang lập trình Java, em có nên học Python không ạ?", hay "Ngôn ngữ lập trình nào phù hợp với người mới như em ạ?", ... Và câu trả lời thì hoàn toàn quá chung chung, copy lẫn nhau và tác giả của các câu trả lời thì trả lời theo hướng tích cực là phần nhiều (Tích cực ở đây là đưa ra những mặt tích cực). Với đại đa số câu trả lời, tôi hoàn toàn không đồng ý theo quan điểm cá nhân của tôi nên giờ tôi xin trình bày quan điểm của tôi về việc học một thứ gì đó mới và có nên học thứ gì đó mới hay không?
Thỏa mãn chính chúng ta
Việc làm thỏa mãn chính bản thân chúng ta, là một nhiệm vụ bắt buộc mà giống lòi đã đề ra từ thuở xa xưa. Bạn xem phim, lướt web, và cực hot hiện tại là đú trend - được sinh ra từ các thành phần thất bại luôn đánh giá người khác mà rất sợ bị đánh giá ngược trở lại, ... cũng là một số hoạt động để thỏa mãn bản thân chúng ta. Tại sao bạn bỏ học đi NET với lũ bạn, bạn thỏa mãn chính bản thân bạn. Tại sao trẻ em nghèo đói châu Phi lại phải kiếm thức ăn thừa, vì bọn trẻ tìm đến sự sống, thỏa mãn bản thân chúng. ... Có hàng tá dẫn chứng để chứng minh cho nhận định trên. Đừng bao giờ nói rằng bạn làm điều gì đó mà không làm thỏa mãn bản thân bạn. Lớp tôi hồi năm cấp 3, nói về việc học thì rất là giỏi, nhưng thường xuyên đạt được thành tích đáng nể, giáo viên chủ nhiệm thì liên tục ăn hàng tá biên bản vì lớp quá quậy và liên tục đứng chót bảng xếp hạng để tuần nào cũng phải đi nhặt rác. Nếu bạn bảo rằng lớp tôi đi nhặt rác vì luật đã bắt buộc như thế và không phải để làm thỏa mãn các thành viên trong lớp thì chắc bạn cũng lầm. Ở đây, việc buộc phải nhặt rác là một hành động làm theo luật, nói cách khác bạn chịu hình phạt để tự bảo vệ cho bản thân, bạn biết chắc rằng mình đã chịu hình phạt rồi sẽ được an toàn và đó chính là một hành động gián tiếp làm thỏa mãn chính bản thân bạn. Thương cảm, thành thật, đam mê, ... hay ý thức để không bị các chuẩn mực xã hội đánh giá con người bạn thì nguyên nhân sâu xa ở các hoạt động sống của một con người thì vẫn chỉ là để thỏa mãn chính bản thân chúng ta.
Tại sao chúng ta lại học những thứ mới
Việc học tôi nói ở đây là học một cách nghiêm túc, không phải là tiếp thu kiến thức từ những hoạt động thường ngày.
Trong lớp KHMT của tôi thì có rất nhiều bạn kiểu học cho qua môn, học để có tấm bằng ... Họ đi chơi cả ngày rồi đến deadline mới chịu mở máy tính ra làm. Nếu là tôi năm trước, tôi sẽ đánh giá họ là những sinh viên thất bại và không có chí cầu tiến. Nhưng hãy nhìn vào một vấn đề đơn giản là bạn bắt con cá sống trên bờ. Tất nhiên nó sẽ chết và việc họ không thích học cũng đơn giản là học không phải là vấn đề họ quan tâm và không phải là sở trường của họ. Họ còn nhiều thứ khác để quan tâm hơn như cải thiện các mối quan hệ xã hội, đọc sách kinh tế, chơi game, ... Đó là những thứ thỏa mãn bản thân họ và việc học cho qua môn đơn thuần là tạo ra khoảng trống rộng nhất cho khoảng thời gian để họ làm những việc họ yêu thích. Có một số thì bố mẹ đặt kỳ vọng vào một kỹ sư KHMT tương lai lương cao, dư dã tiền chi trả cho cuộc sống, ... và việc họ học ngành không yêu thích giúp bố mẹ họ yên tâm, họ cảm thấy thành thản và cũng là một hoạt động tự thỏa mãn bản thân.
Và song với đó cũng có một số bạn học vì đam mê, học vì sở thích. Đối với nhóm người ở trên thì nhóm người này như là người ngoài hành tinh và ngược lại cũng vậy. Tôi học vì tôi rất thích được tìm hiểu các kiến thức mới. Các bạn ở nhóm kia sẽ không biết tôi vui thế nào khi biết các dùng tỉ số kép chứng minh ba điểm thẳng hàng mà chẳng cần Ceva hay Menelaus. Các bạn ở nhóm kia sẽ không biết tôi phấn khích thế nào khi mà tôi hiểu được tại sao đường tròn bàng tiếp lại có thể đối ngẫu về được đường tròn nội tiếp. Và tôi cũng sẽ chẳng thấy có gì vui vẻ nếu cả ngày cứ đú trend và tự gáy về bản thân như bạn cùng phòng của tôi. Chính vì cái tìm thấy niềm vui trong học tập nên tôi mới tìm kiến thức mới và học cái mới. Một người bạn hỏi tôi rằng là "Học Assembly làm gì?", "Học C++ thôi mà sao mày học nhiều cái dữ vậy?", "Học nhiều quá không sợ loãng kiến thức hả?", ... Không phải do tôi là một người kỳ lạ trong mắt bạn ấy mà là bạn ấy không tìm được niềm vui trong việc học. Cũng như việc tôi không tìm thấy niềm vui gì nữa trong Tin học và tôi bắt đầu trở lại mới môn Toán vì tôi hoàn toàn không phấn khích khi làm ra các sản phẩm có thể giúp đỡ con người, tôi đơn giản chỉ muốn thỏa mãn bản thân với những lý thuyết Toán học thuần túy.
Việc học một thứ gì đó mới
Có khi nào bạn tự hỏi liệu "Bản thân mình có đủ khả năng để học kiến thức nào đó?". Thứ kinh khủng nhất đối với một học sinh đi thi VMO đó chính là Tổ hợp và Rời rạc. Những thứ này làm hủy diệt biết bao nhiêu kỳ vọng mà thí sinh đặt ra. Tôi cũng là một trong những thí sinh mà dốt phần Tổ hợp và Rời rạc nhất nhưng mà tôi vẫn có niềm đam mê về chúng. Hồi học cấp hai, một thầy giáo tôi rất kính mến đã nói với tôi rằng "Bây giờ mi không hiểu, tới lúc sẽ hiểu". Nói thật tôi không tin lắm vào lời ổng nói lúc đó, tôi không tin vào sự cố gắng của con người sẽ giúp ta đạt đến vô số mục đích như trong truyện cổ tích. Thật vậy, tôi cố gắng cày cuốc lại Tổ hợp và Rời rạc khi vào đại học và đã giải được rất nhiều bài toán mà lúc trước tôi không giải ra được. Tuy nhiên vẫn có một cái gì đó ngăn cản tôi giải được nhiều bài khó trong thời gian tư duy ngắn đó là trình độ tôi không đủ cao. Lúc đó tôi nhận ra được giới hạn của bản thân. Việc tự học thứ gì đó cũng vậy, để thỏa mãn bản thân và tìm ra được giới hạn của bản thân mình ra sao. Và tôi nghĩ cái "hiểu" mà thầy tôi nói ở đây là hiểu được giới hạn của bản thân và nếu người nào có hỏi tôi "Bản thân mình có đủ khả năng để học kiến thức nào đó?", tôi sẽ trả lời dạng như là như thầy tôi đã từng. Nếu bạn thích việc học, thích tích góp kiến thức mới, bạn nên học những thứ mới. Nhiều bạn đã học Python
vì đú theo trên mạng (Tôi tự hỏi là Python
nổi lên vì đâu? Là do thổi phồng chăng?) và nhận được một kết quả khả quan là áp dụng được Python
vào một số thứ scripting vớ vẩn (Vì chỉ đú chứ đam mê nó đâu) và nhận ra C++
mới dạy cho chúng ta nhiều nhất về tổng quan lập trình. Điều đó phần nào cho thấy, nếu bạn không thích học, thì đừng nên học và hãy bỏ thời gian vào những thứ bạn đam mê hơn. Việc học một ngôn ngữ mới cũng thế, nếu bạn đã tự đặt ra rằng "Có nên học một ngôn ngữ mới hay không?" thì chắc chắn bạn sẽ học được vì những người không có đam mê học tập không thể đặt ra được các câu hỏi như thế này. Và đừng có sợ "loãng kiến thức", đó là lý do của bọn thua cuộc, nếu bạn học được, hãy cứ học cho đến khi nhận ra giới hạn của bản thân.
All rights reserved