+5

Hiểu về map, filter và reduce trong JavaScript

Hiểu về map, filter và reduce trong JavaScript

Khi làm việc với các dự án JavaScript, chắc hẳn bạn đã trải qua các tình huống cần xử lý các dữ liệu. Những lúc ấy hẳn bạn sẽ sử dụng for-loops để giải quyết vấn đề, tuy nhiên nó sẽ ngày càng trở nên rối và làm cho code phình ra. Hầu hết trong các trường hợp, sử dụng map, filter hay reduce lại làm cho công việc trở nên dễ dàng hơn. Code của bạn sẽ "sạch" hơn và dễ đọc hơn. Ít nhất sẽ được như thế, khi mà bạn đã hiểu cách chúng làm việc và khi nào nên sử dụng chúng.

Một số nguyên tắc mà tôi sử dụng để xác định nên dùng hàm nào:

  • Nếu tôi có 1 mảng và tôi muốn xử lý từng biến trong mảng theo cùng 1 cách, trả về các giá trị sau xử lý (số lượng đúng bằng số lượng phần tử ban đầu của mảng) thì tôi sẽ sử dụng map.
  • Nếu tôi đã có 1 mảng nhưng tôi chỉ muốn lấy các phần tử theo 1 tiêu chuẩn nhất định, tôi sử dụng filter.
  • Nếu tôi đã có 1 mảng nhưng tôi muốn sử dụng các giá trị trong mảng để tạo ra vài thứ khác hoàn toàn mới, tôi sử dụng reduce.

Các quy tắc này nghe có vẻ mơ hồ, do đó để hiểu cách ứng dụng của từng hàm, cách tối nhất luôn là tìm hiểu qua các ví dụ. Tôi sẽ sử dụng 1 mảng mấu như dưới đây:

const animals = [
    {
        "name": "cat",
        "size": "small",
        "weight": 5
    },
    {
        "name": "dog",
        "size": "small",
        "weight": 10
    },
    {
        "name": "lion",
        "size": "medium",
        "weight": 150
    },
    {
        "name": "elephant",
        "size": "big",
        "weight": 5000
    }
]

Hàm map()

Giả sử ta cần 1 mảng chứa tên của các con vật. Nếu sử dụng for-loop:

let animal_names = [];

for (let i = 0; i < animals.length; i++) {
    animal_names.push(animals[i].name);
}

Nếu sử dụng hàm map():

let animal_names = animals.map((animal, index, animals) => {
    return animal.name
})

Hàm map() nhận vào 3 tham số (theo thứ tự):

  • Phần tử hiện tại của mảng.
  • Chỉ số của phần tử hiện tại trong mảng.
  • Mảng ban đầu.

1 số ưu điểm khi dùng map() thay vì for-loop:

  • Với map(), ta không cần quản lý trạng thái của vòng lặp như với for-loop.
  • Ta không cần sử dụng chỉ số để truy cập vào đúng phần tử trong mảng.
  • Ta không cần tạo mảng mới và push() từng giá trị vào. map() trả về 1 mảng mới với các giá trị đã được chỉnh sửa, do đó có thể dễ dàng gán nó cho 1 biến khác.

Có 1 điều bạn cần phải ghi nhớ, đó là luôn sử dụng return để trả về từng giá trị sau chỉnh sửa, nếu không mảng trả về cuối cùng sẽ chỉ chứa các giá trị undefined

Hàm filter()

Tiếp tục với 1 bài toán khác, lần này ta muốn 1 mảng chỉ chứa các con vật nhỏ. Nếu dùng for-loop:

let small_animals = [];

for (let i = 0; i < animals.length; i ++) {
    if (animals[i].size === "small") {
        small_animals.push(animals[i])
    }
}

Sử dụng hàm filter():

let small_animals = animals.filter((animal) => {
    return animal.size === "small"
})

Hàm filter cũng nhận vào 3 tham số như hàm map(), tuy nhiên trong trường hợp này ta chỉ sử dụng tham số đầu tiên. Nó cũng có các lợi ích như hàm map(), cũng sử dụng câu lệnh return trong thân hàm. Tuy nhiên, với filter(), ta cần đảm bảo câu lệnh return trả về true hoặc false vì nó là điều kiện để "lọc" ra các giá trị phù hợp trong mảng.

Hàm reduce()

Hãy đến với bài toán thứ 3: bạn cần tính tổng trọng lượng của các con vật. Hãy bắt đầu với for-loop:

let total_weight = 0;

for (let i = 0; i < animals.length; i++) {
    total_weigth += animals[i].weight
}

Và hàm reduce():

let total_weight = animals.reduce((weight, animal, index, animals) => {
    return weight += animal.weight
}, 0)

Với hàm reduce(), các tham số truyền vào sẽ khác 1 chút so với 2 hàm kể trên:

  • Tham số đầu tiên là giá trị khởi tạo. Ta cần set giá trị khởi tạo ở cuối hàm. Trong ví dụ trên là 0. Nó có thể là bất cứ giá trị nào.
  • Tham số thứ 2 là phần tử hiện tại trong mảng.
  • Tham số thứ 3 và 4 giống với 2 hàm kể trên.

Nói lại 1 lần nữa, những lợi ích khi sử dụng reduce() cũng tương tự như map(), filter(), làm cho code ngắn hơn, dễ đọc hơn. Lần này, hàm reduce() trả về giá trị weight sau khi cộng, thứ sẽ lại trở thành tham số đầu tiên cho hàm reduce() kế tiếp. Khi chạy đến hàm reduce() với giá trị cuối cùng trong mảng, nó sẽ trả về tổng khối lượng các con vật (giá trị weight cuối cùng) và gán vào biến total_weight.

Kết luận

Với các ví dụ đơn giản kể trên, ta đã hiểu hơn về cách sử dụng các hàm map, filter và reduce. Các hàm này sẽ càng tối ưu hơn với các dữ liệu hay mã code nhiều, phức tạp. Tôi khuyên bạn nên tập làm quen với chúng nếu bạn còn bỡ ngỡ. Rồi bạn sẽ nhận ra chúng giúp cho code của bạn sạch sẽ, dễ đọc và dễ bảo trì hơn.


All Rights Reserved

Viblo
Let's register a Viblo Account to get more interesting posts.