+3

Hiểu hơn về block trong Ruby

Block là một trong những tính năng mạnh mẽ nhất và thường bị bỏ qua của ruby. Phải thú nhận rằng mình đã mất một thời gian để tìm ra cách các block ruby hoạt động và làm thế nào chúng có thể hữu ích trong thực tế.

Có một cái gì đó về yield làm cho các block rất khó hiểu cho người mới bắt đầu. Mình sẽ nói về một số khái niệm và cung cấp một vài ví dụ để đến cuối bài này, bạn sẽ có một sự hiểu biết vững chắc hơn về các block ruby.

Ruby block là gì?

Rất đơn giản, một block là một đoạn code nằm bên trong cặp do - end hoặc { - } (nếu khai báo trên một dòng). Hãy xem ví dụ sau:

[1, 2, 3].each do |n|
  # Prints out a number
  puts "Number #{n}"
end

Ví dụ trên tương đương với:

[1, 2, 3].each{|n| puts "Number #{n}"}

Bên trong ||, n được gọi là tham số của block đó và giá trị của nó trong trường hợp này sẽ lần lượt là từng số trong mảng [1, 2, 3]. Kết quả in ra thì dễ dàng thấy được như sau:

Number 1
Number 2
Number 3

Chú ý là bất kỳ một method nào cũng có thể nhận một block, không quan trọng là có sử dụng nó hay không, ví dụ:

def my_method
  puts "something"
end

my_method{"hello"} # => "something"

Ở ví dụ trên thì block đã bị bỏ qua nhưng bạn vẫn có thể gọi nó.

yield hoạt động như nào?

Đây là điều mà bạn sẽ rất dễ nhầm lẫn xoay quanh ruby block. Cùng xem một ví dụ sau:

def my_method
  puts "reached the top"
  yield
  puts "reached the bottom"
end

my_method do
  puts "reached yield"
end

# output
reached the top
reached yield
reached the bottom

Cơ bản, khi gọi đến my_method, đến dòng yield thì đoạn code bên trong block sẽ được thực hiện. Đến khi thực hiện xong hành động bên trong block kia, dòng tiếp theo trong my_method mới được thực hiện tiếp. Xem hình bên dưới để hiểu rõ hơn:

Cũng dễ hiểu phải không nào.

Truyền block đến method

Nếu bạn gọi yield bên trong một method, khi đó thì tham số block trở thành bắt buộc và method đó sẽ trả ra exception nếu như nó không nhận được một block.

Nếu muốn việc truyền block không còn bắt buộc nữa, bạn có thể sử dụng method block_given? - method này sẽ trả vể true/false phụ thuộc vào việc bạn có truyền block lên hay không?

def my_method
  puts "reached the top"
  if block_given?
    yield
  else
    puts "no block"
  end
  puts "reached the bottom"
end

yield cũng nhận vào tham số

Bất kỳ tham số nào được truyền cho yield sẽ đóng vai trò là tham số cho block. Do đó, khi block chạy, nó có thể sử dụng các tham số được truyền lên đó. Các tham số này có thể là cácc biến cục bộ trong method có chứa yield.

Chú ý một điều là thứ tự các đối số là quan trọng bởi vì nó sẽ quyết định thứ tự các tham số mà block sẽ nhận được. Hãy xem ví dụ như hình bên dưới.

Một điều chú ý nữa, các tham số bên trong block (ví dụ trên là nameage) chỉ là phạm vi cục bộ bên trong block đó mà thôi. Bạn không thể sử dụng bên ngoài block. Ví dụ:

def my_method
  yield("John", 2)
  puts "Hi #{name}"
end

my_method{|name, age| puts "#{name} is #{age} years old"}

# output
John is 2 years old
NameError: undefined local variable or method `name' for #<IRB::...>

Giá trị trả về

yield trả về biểu thức cuối cùng bên trong block, hay có thể nói giá trị trả về của yield chính là giá trị trả về cuả block.

def my_method
  value = yield
  puts "value is: #{value}"
end

my_method{2}

value is 2

Ý nghĩa của &block(ampersand parameter)

&object sẽ thực hiện dựa vào object đó:

  • Nếu là block, nó chuyển object thành một Proc
  • Nếu là Proc, nó chuyển object thành một block
  • Nếu trường hợp khác, nó gọi to_proc trong nó và sau đó chuyển object thành block

Hãy xem xét ví dụ đầu tiên với object là một block:

def a_method(&block)
  block
end

a_method{"x"} # => #<Proc:...>

Nếu object là một Proc thì sao?

a_proc = Proc.new{"x"}
a_method(&a_proc) # => #<Proc:...>

Vì đối số đã là một Proc nên nó được chuyển thành một block.

Lưu ý nhỏ, nếu object là một Proc, nó được duy trì trạng thái lambda?. Cụ thể là kiểm tra đối số và có các kết quả trả về của chúng.

a_lambda = ->() {"x"} => #<Proc:... (lambda)>
a_method(&a_lambda) # => #<Proc:... (lambda)>

Với trường hợp truyền lên đối số không phải là block hoặc Proc.

a_method(&:even?) # => #<Proc:...>

Có điều này là vì lời gọi Symbol#to_proc trả về một Proc có thể lấy một đối tượng và gọi phương thức bạn đã chỉ định trên đó. Có vẻ hơi khó hiểu chút, hãy cùng xem ví dụ bên dưới:

a_proc = :foobar.to_proc
a_proc.call("some string")
# => NoMethodError: undefined method `foobar' for "some string":String

Đoạn code trên sẽ thực hiện:

  1. Gọi to_proc trên :foobar sẽ trả về một Proc. trong trường hợp này là a_proc
  2. a_proc sẽ gọi method foobartrên bất kỳ đối tượng nào bạn gửi nó

Nếu bạn định nghĩa lại to_proc trong Ruby, trông nó sẽ như này:

class Symbol
  def to_proc
    Proc.new { |obj, *args| obj.send(self, *args) }
  end
end

.map(&:something) hoạt động như nào?

map là một ví dụ hay để hiểu hơn về ký hiệu & này. Nó lấy một đối tượng đếm được (vd [1, 2, 3]) và một block. Sau đó, với từng phần tử, nó thực thi block với các phần tử đó chính là các đối số. Kết quả trả về của block được sử dụng để xây dựng mảng kết quả cuối cùng

[1, 2, 3].map {|n| n.even?}

# could be written as

[1, 2, 3].map(&:even?)

# output 
[false, true, false]

Gọi yield nhiều lần

Bạn có thể gọi đến yield nhiều lần bên trong một method. Hãy xem cách bạn có thể viết một method tương tự map method sau:

def my_map(array)
  new_array = []

  for element in array
    new_array.push yield(element)
  end

  new_array
end

my_map([1, 2, 3]) do |number|
  number * 2
end

# output
[2, 4, 6]

Khởi tạo đối tượng với giá trị mặc định

Một mô hình thú vị mà bạn có thể sử dụng với các block ruby là khởi tạo một đối tượng với các giá trị mặc định.

class Car
  attr_accessor :color, :doors

  def initialize
    yield(self)
  end
end

car = Car.new do |c|
  c.color = "Red"
  c.doors = 4
end

puts "My car's color is #{car.color} and it's got #{car.doors} doors."

# output

My car's color is Red and it's got 4 doors.

Cách thức hoạt động ở đây là bạn có một trình khởi tạo gọi yield(self), và self ở đây là đối tượng được khởi tạo.

Ví dụ về block trong Ruby

Hãy cùng xem xét một số ví dụng gần gũi với thực thế.

Đóng gói text trong thẻ html

Block là một cách hoàn hảo khi bạn muốn đóng gói một đoạn code động vào bên trong một số code tĩnh. Nên nếu bạn muốn tạo một thẻ html cho một số text, text thì động và thẻ bao bọc bên ngoài thì tĩnh, không thay đổi. Ta có thể làm như sau:

def wrap_in_h1
  "<h1>#{yield}</h1>"
end

wrap_in_h1{"Here's my heading"}
# => "<h1>Here's my heading</h1>"

wrap_in_h1{"Ha" * 3}
# => "<h1>HaHaHa</h1>"

Và khi bạn muốn tái sử dụng lại một số hành vi nhưng cần làm gì đó hơi khác với nó. Xem ví dụ sau:

def wrap_in_tags(tag, text)
  html = "<#{tag}>#{text}</#{tag}>"
  yield html
end

wrap_in_tags("title", "Hello"){|html| Mailer.send(html)}
wrap_in_tags("title", "Hello"){|html| Page.create(body: html)}

Ở trên, bạn đang gửi <title>Hello</title> qua email, còn ở dưới thì bạn đang tạo ra bản ghi Page. Cả 2 đều đang gọi method wrap_in_tags nhưng lại có hành vi khác nhau.

Ghi chú

Giả sử bạn muốn xây dựng cách để lưu nhanh các idea vào bảng trong database. Để làm việc đó, bạn cần đưa idea vào ghi chú vào phải có method xử lý các kết nối đến database.

class Note
  attr_accessor :note

  def initialize(note=nil)
    @note = note
    puts "@note is #{@note}"
  end

  def self.create
    self.connect
    note = new(yield)
    note.write
    self.disconnect
  end

  def write
    puts "Writing \"#{@note}\" to the database."
  end

private

  def self.connect
    puts "Connecting to the database..."
  end

  def self.disconnect
    puts "Disconnecting from the database..."
  end
end

Note.create { "Foo" }

# output

Connecting to the database...
@note is Foo
Writing "Foo" to the database.
Disconnecting from the database...

Gọi Note.create { "Foo" } và không cần lo lắng về mở và đóng kết nối đến database.

Tìm các phần tử chia hết trong mảng

Giả sử bạn muốn tìm ra các phần tử chia hết cho 3 trong một mảng, hãy xem làm với block trong ruby như nào:

class Fixnum
  def to_proc
    Proc.new do |obj, *args|
      obj % self == 0
    end
  end
end

numbers = [1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10].select(&3)
puts numbers

# output

3
6
9

Kết

Kết lại thì bạn có thể hiểu đơn giản block nó là một đoạn code, và yield sẽ cho phép bạn đưa đoạn code đó vào một chỗ nào đó trong method của bạn. Điều đó có nghĩa là bạn có thể có một method hoạt động với nhiều cách khác nhau, bạn sẽ không phải viết nhiều method mà có thể sử dụng lại nó.

Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết.


Tham khảo


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí