Hiểu đúng về "Khởi nghiệp"
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 8 năm
Khi được hỏi, trong khán phòng của chúng ta, có bao nhiêu người muốn khởi nghiệp, thì 100% các bạn đều giơ tay.
Và khi được hỏi, thế nào là khởi nghiệp, các bạn đều trả lời đại khái thế này: "Em xin nghỉ việc, thuê một văn phòng, thuê một vài bạn nhân viên, bắt đầu triển khai một công việc thì gọi là khởi nghiệp".
Điều đó cũng đúng, không sai, nhưng theo kiến giải của tôi thì chúng ta nên quay lại về bản chất - 2 chữ "Khởi nghiệp" nghĩa là gì?
- Khởi: Là bắt đầu
- Nghiệp: Là nghề nghiệp.
Vậy theo dụng ý của các bậc tiền bối ở đây, khởi nghiệp là việc bắt đầu một nghề nghiệp. Vậy thì bất cứ khi nào chúng ta bắt đầu một nghề, chúng ta đã bắt đầu khởi nghiệp. Khi chúng ta bắt tay vào học CNTT - chúng ta đã khởi nghiệp. Khi chúng ta bắt đầu đi học nấu ăn, chúng ta đã khởi nghiệp.
Vì vậy khởi nghiệp không phải là một cái đích đến, khởi nghiệp là một quá trình dài hạn tích lũy kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, tích lũy vốn, tích lũy mối quan hệ để có thể tự mình giải quyết các vấn đề của bản thân mình, giải quyết các vấn đề của một tập thể, giải quyết các vấn đề của xã hội đặt ra, và đem về lợi nhuận cho bản thân mình và những người làm việc cùng mình.
Hầu hết các bạn, ngay khi có khả năng làm từ đầu đến cuối một vài dự án, có một số kinh nghiệm làm việc trong vòng 2 - 3 năm. Đã nghĩ ngay đến việc nghỉ việc và ra làm riêng. Nhưng rất nhanh chóng, các bạn rơi vào một vòng xoáy - "Làm thuê", nhưng khác một chút là các bạn làm thuê cho chính bản thân mình.
Các bạn thành lập 1 công ty, các bạn rủ một vài bạn cùng làm, các bạn thuê một vài nhân viên. Sau một thời gian làm việc, các mâu thuẫn bắt đầu phát sinh:
- Các đồng sáng lập mâu thuẫn nhau về mặt ý tưởng, và cách thực hiện. Bạn nghĩ rằng, ý tưởng tao mới là tốt, và không có chúng mày, tao vẫn tốt,... Và một số đồng sáng lập bắt đầu rời khỏi đội hình.
- Nhân viên bạn thuê, làm việc không theo ý của bạn. Bạn hướng dẫn mãi không được, thúc ép cũng không được, mà thời gian hướng dẫn, thúc ép rất mất thời gian, tiến độ thì quá chậm rồi. Không chịu nổi, bạn lại nhảy vào code.
- Để tiết kiệm tiền trong điều kiện kinh phí start up eo hẹp, bạn bắt đầu lao vào làm bất kể mọi thứ, từ giữ xe cho khách, tự mình làm kế toán, tự mình lập trình, tự mình lau dọn bàn ghế,...
- Nếu may mắn, sản phẩm của các bạn làm ra kịp tiến độ, các bạn đưa lên store, và mỗi ngày đều ngả ghế ngồi đếm xem bao nhiêu người download sản phẩm của mình. Và nhận thấy rằng, sao chẳng ai download sản phẩm vậy. Lúc này bạn lại bắt đầu mang sản phẩm đi tiếp thị. Bạn vung tiền cho tiếp thị, thuê đội ngũ nhân viên tiếp thị để bán sản phẩm, và rồi cuối cùng đến số tiền ít ỏi nhất của bạn, của hồi môn của vợ bạn cũng ra đi.
- Không chịu được cảnh khó khăn thiếu thốn, vừa thiếu thời gian, vừa thiếu tiền bạc, vợ bạn bắt đầu cằn nhằn "Toàn những điều hợp lý". Bạn thấy rằng, dường như mình đang làm thuê cho chính bản thân mình. Cũng với sự nỗ lực như vậy thì bạn có một cái lương rất cao, còn khi làm cho mình, số tiền thu về được chẳng được bao nhiêu, toàn mang tiền nhà ra làm.
Và cuối cùng, bạn đầu hàng, quay lại cảnh đi làm công ăn lương. Dần dần rời bỏ ước mơ của mình, chắc là do mình ko có năng lực, mình đã cố gắng hết sức rồi mà vẫn không được. Và tự nhủ "Mình Sẽ không bao giờ mình quay trở lại cảnh địa ngục đó", và rồi ước mơ của bạn sẽ mãi vẫn chỉ là ước mơ.
Vậy vấn đề nằm ở đâu? Vấn đề nằm ở việc bạn chưa được "Giáo dục" - hay nói cách khác đó là vấn đề của sự lệch lạc trong việc bạn được giáo dục. Theo UNESCO, bốn trụ cột của giáo dục là:
- Học để biết
- Học để làm
- Học để cùng chung sống
- Học để làm người.
Hầu hết chúng ta mới chỉ học để biết, học để làm,** mà quên đi 2 trụ cột còn lại, đó là Học để cùng chung sống và học để làm người.**
Công ty cho chúng ta môi trường để chúng ta học tập, cho chúng ta môi trường để chúng ta có thể từng bước tiến lên:
- Công ty trả lương, động viên chúng ta học tập nâng cao trình độ - Chúng ta không học
- Công ty hướng dẫn chúng ta quản lý công việc của bạn thân mình - Thì nay chúng ta làm, mai chúng ta không
- Công ty tạo môi trường để chúng ta quản lý công việc của một nhóm người - chúng ta không cố gắng, chúng ta không nỗ lực để hiểu và giúp đỡ mọi người trong nhóm của mình.
Cái chúng ta suy nghĩ chỉ là: dự án này kiếm được từng này, và công ty trả cho chúng ta từng này, công ty đang bóc lột chúng ta. Và rồi, khi chúng ta ra ngoài tự lo doanh nghiệp của mình, chúng ta mới thấu hiểu nỗi lo lắng, nhọc nhằn của một người chủ doanh nghiệp:
- Tiền lương
- Tiền thưởng
- Tiền thuế
- Tiền bôi trơn
Vì vậy, trước khi làm người chủ tốt, bạn hãy học tập làm người nhân viên tốt, từng bước, từng bước đi lên từng bước từng bước học tập cách người ta quản lý tài chính, cách người ta quản trị con người, cách người ta ứng phó với các tình huống, cách người ta quản lý vòng quay của đồng tiền, cách người ta sử dụng đồng tiền. Và các bạn nên hiểu rằng, không phải đơn giản để người ta có một thành công. Đằng sau những người chủ thành công là cả một hệ tư tưởng thành công và bạn cần phải học.
Thời gian trước, khi tôi phá sản, tôi ngồi tự học ở nhà. Tôi chỉ mong, có một chỗ làm để tôi vừa có thiết bị để học, có một chỗ để ngồi học, và một đồng lương đủ nuôi sống tôi, để tôi có thể theo đuổi đam mê của mình. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in cái cảm giác đó. Và tôi càng trân quý những gì mà công ty đã cho tôi.
Vì vậy, bạn muốn trở thành một chủ doanh nghiệp thành công, hãy học tập từ những doanh nghiệp thành công. Hãy khiêm tốn học hỏi, để sau này bớt đổ máu khi ra trường đời. Hãy học tập - không chỉ những kiến thức về kỹ thuật mà cả những cách làm việc chung với người khác, cách đối xử tốt với nhau, cách sử dụng đồng vốn, cách khuyến khích những người khác làm việc - giúp công ty - và giúp chính bản thân mình. Và để học được việc đó cách tốt nhất là hãy xung phong, làm tất cả mọi việc mà công ty giao phó.
Chúc các bạn thành công!
All rights reserved