Giới thiệu ngôn ngữ lập trình Go (Golang)
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 6 năm
Golang là một ngôn ngữ khá mới
Ngôn ngữ lập trình Go, cũng thường được gọi là Golang, là một ngôn ngữ lập trình được phát triển bởi một nhóm chuyên gia tại Google. Cụ thể ngôn ngữ Golang được hình thành vào tháng 9 năm 2007 bởi Robert Griesemer, Rob Pike và Ken Thompson. Sau đó Golang Lần đầu tiên được giới thiệu vào tháng 11 năm 2009 và phiên bản đầu tiên của nó được phát hành vào tháng 12 năm 2012. Trang web chính thức ngôn ngữ Golang là http://golang.org/. Ngôn ngữ Golang có một hình thái và ngữ nghĩa lập trình riêng giúp nó đảm bảo hiệu suất làm việc mà vẫn mang lại những điều thú vị khi viết mã code. Golang cũng cung cấp một bộ thư viện chuẩn khá toàn diện. Thư viện chuẩn cung cấp tất cả các gói lập trình viên cốt lõi cần để xây dựng các chương trình, phần mềm hay cả ứng dụng web và ứng dụng quản trị mạng. Golang cũng là một ngôn ngữ lập trình đồng bộ, được biên dịch có cú pháp khá cơ bản chủ yếu thuộc về họ ngôn ngữ C.
Ngôn ngữ lập trình Golang thực chất là một dự án mã nguồn mở được phát hành dựa trên chứng chỉ BSD nhằm mục đích nâng cao hiệu suất làm việc dành cho các lập trình viên. Golang có cú pháp khá ngắn gọn, sạch sẽ và hiệu quả. Go được biên dịch nhanh chóng sang mã máy nhưng vẫn có sự tiện lợi trong việc quản lý bộ nhớ cũng như hoạt động run-time. Có thể nói Golang là một ngôn ngữ lập trình được biên dịch tĩnh rất nhanh, cảm thấy giống như một ngôn ngữ kịch bản được biên dịch động.
Đặc điểm của ngôn ngữ Golang
Golang là ngôn ngữ biên dịch, và giống như nhiều ngôn ngữ lập trình khác, nó sử dụng khá nhiều dòng lệnh. Go đồng thời là tên của ngôn ngữ lập trình và tên của bộ công cụ được sử dụng để xây dựng và tương tác với các chương trình được viết bởi Go - Golang.
Khác với Python hay Javscript, ta cần khai báo kiểu dữ liệu cho các giá trị biến (variables) trong Golang (static-typed). Trình biên dịch biết thông tin kiểu dữ liệu trước giúp đảm bảo rằng chương trình đang làm việc với các giá trị một cách an toàn. Điều này giúp giảm thiểu các lỗi và lỗi bộ nhớ tiềm ẩn, đồng thời cung cấp cho trình biên dịch cơ hội tạo ra nhiều mã thực hiện hơn. Đồng thời Golang cũng cung cấp struct cho phép bạn tạo các kiểu của riêng mình bằng cách kết hợp một hoặc nhiều loại, bao gồm cả các kiểu được xây dựng sẵn và do người dùng định nghĩa. Structs là cách duy nhất để tạo các kiểu dữ liệu do người dùng định tự nghĩa trong Golang. Khi tạo các kiểu dữ liệu của riêng với struct, Chúng ta cần lưu ý rằng Golang không cung cấp hỗ trợ cho thừa kế trong hệ thống kiểu dữ liệu của nó, nhưng nó ưu tiên thành phần của các kiểu cho phép bạn tạo các kiểu dữ liệu lớn hơn bằng cách kết hợp các kiểu nhỏ hơn. Triết lý thiết kế của Golang là tạo ra các thành phần lớn hơn bằng cách kết hợp các thành phần nhỏ và mô-đun hóa. Nếu bạn là một lập trình viên thực dụng, bạn sẽ đánh giá cao triết lý thiết kế của Golang bởi việc kế thừa kiểu dữ liệu đôi khi đưa ra những thách thức thực tế liên quan đến khả năng bảo trì.
Trong thập kỷ qua, phần cứng máy tính đã phát triển mạnh mẽ giúp gia tăng số lõi cũng như nâng cao đột phá sức mạnh của CPU. Ngày nay, chúng ta sử dụng nhiều nền tảng đám mây để xây dựng và chạy các ứng dụng, vì vậy các máy chủ trên đám mây có nhiều sức mạnh và quyền lực hơn. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn chưa thể tận dụng được toàn bộ sức mạnh của chúng dựa trên hầu hết các ngôn ngữ và công cụ lập trình hiện có.
Ngôn ngữ lập trình Golang ra đời cung cấp khả năng thực thi các chức năng độc lập với nhau. Các cơ chế đồng thời của nó giúp dễ dàng viết các chương trình tận dụng tối các "lõi" trên CPU cũng như sức mạnh từ mạng máy tính. Trong hệ thống kiểu mới của nó cho phép xây dựng chương trình linh hoạt và mô đun hóa. Một function được tạo được quản lý như một goroutine (một luồng thực thi - thread - được quản lý bởi Go-runtime), nó được coi là một đơn vị công việc độc lập, được lên lịch và sau đó được thực thi trên một bộ xử lý logic có sẵn. Các Goroutine được tạo ra bằng cách gọi câu lệnh Go theo sau bởi hàm hoặc phương thức mà bạn muốn chạy như một hoạt động tự điều hành. Bộ lập lịch thời gian chạy Go là một phần mềm phức tạp quản lý tất cả các goroutine được tạo và cần thời gian xử lý. Trình lập lịch biểu nằm trên đầu của hệ điều hành, ràng buộc các luồng của hệ điều hành tới các bộ xử lý logic mà khi đến lượt, nó sẽ tiến hành việc thực thi các goroutine. Bộ lập lịch kiểm soát tất cả mọi thứ liên quan đến các goroutine đang chạy trên đó bộ vi xử lý logic tại bất kỳ thời điểm nào.
Các lĩnh vực ứng dụng Golang
Với đặc điểm của mình, Golang có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, như trong phát triển Web Backend, phát triển ứng dụng mobile (với vai trò server), trong các hệ thống microservice hay ERP (Enterprise - Resource - Planning).
Đối với phát triên Web server, Golang mang lại nhiều lợi ích so với Python hay Java như:
- Golang thật sự đơn giản và dễ tiếp cận với cả các lập trình viên hay tester
- Sử dụng các thuật toán biên dịch nâng cao, với Golang, chúng ta sẽ không cần cài đặt các dependencies từ server bởi vì Go đã liên kết tất cả các mô-đun cũng như các dependencies thành một file nhị phân.
- Golang sử dụng các goroutine riêng biệt giúp tiết kiệm bộ nhớ và nâng cao hiệu năng cho ứng dụng.
Có thể nói, Golang đang phát triển rất nhanh, tốc độ ngày một tăng cao, tiếp cận dễ dàng, các phương thức bảo mật được cải thiện mạnh mẽ giúp nó ngày càng trở nên chiếm ưu thế hơn.
Tham khảo:
All rights reserved