Đôi điều về "nghề nghiệp" trong ngành Công nghệ Thông tin
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 5 năm
Ngành CNTT (IT- Informatic Technology) trong khoảng chục năm trở lại đây luôn là một trong những ngành "hot" nhất trong thị trường lao động Việt Nam và thế giới. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang bắt đầu bùng nổ, ngành IT càng trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Bài viết nhằm chia sẻ một số nhận định cá nhân về nghề nghiệp trong CNTT, cũng như dự đoán xu hướng các ngành nghề trong tương lai không xa và các kỹ năng, kiến thức cần thiết cho một vị trí tốt trong một số ngành "hot". Nội dung bài viết chủ yếu chia sẻ nhận định chủ quan, trải nghiệm cá nhân của mình sau hơn mười năm làm trong ngành công nghệ thông tin. Trong quá trình làm việc, mình đã tham gia và làm đối tác của khá nhiều công ty lớn nhỏ trong và ngoài nước, chứng kiến nhiều sự thay đổi trong công nghệ, thị trường nhân sự, việc làm, cũng như cách thức tổ chức, vận hành, văn hoá doanh nghiệp của nhiều công ty, tổ chức trong ngành.
Điều đầu tiên cần nhấn mạnh là CNTT là một ngành rất rộng, công việc rất đa dạng và phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau. Có những việc lặp lại, ổn định, có thể học rất nhanh và không cần đào tạo bài bản (cài đặt máy móc, sửa chữa máy tính cơ bản, lắp đặt phòng máy, mạng, tư vấn sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật sản phẩm, hotline chăm sóc khách hàng...), và có những công việc cần đào tạo bài bản và/hoặc dài hạn hơn, và yêu cầu nhiều chất xám hơn nhiều hơn như lập trình viên, kiến trúc sư hệ thống, chuyên viên phân tích nghiệp vụ, kiểm thử viên, quản trị mạng, phân tích, xử lý dữ liệu... Bài viết này tập trung nói về nhóm ngành thứ hai.
Thách thức trong ngành CNTT
Là ngành “hot” trong thị trường lao động, ngành CNTT thu hút số lượng lớn các sinh viên tham gia học, nhiều trường đại học vốn không liên quan đến IT cũng đã mở ra các khoa mới, liên quan đến IT trong lĩnh vực chuyên ngàng chính của trường, hoặc thậm chí cả các khoa chuyên biệt về CNTT vốn chưa bao giờ là thế mạnh của trường như mạng máy tính hay công nghệ phần mềm... Điều này có thể là đúng, để đáp ứng nhu cầu thị trường và đảm bảo duy trì số lượng / thu hút sinh viên. Tuy nhiên, cũng phải nói là chất lượng đầu ra sinh viên CNTT trong nước nhìn chung đang ở mức độ dưới trung bình, phần đông là chưa đáp ứng được nhu cầu công công việc. Sinh viên ra trường rất đông, không tìm được việc làm hoặc làm trái ngành rất nhiều, nhưng các công ty CNTT đều luôn thiếu nhân sự. Cá nhân mình đã từng phỏng vấn đầu vào không dưới 200 bạn sinh viên ra trường và những người đã đi làm (sau khi đã lọc kỹ hồ sơ), thì tỷ lệ trúng tuyển là tương đối thấp. Và trong số trúng tuyển thì phần đông vẫn là từ các trường Bách Khoa, Công Nghệ, Bưu Chính Viễn Thông, FPT và các trường nước ngoài. Rất nhiều bạn trong số đó đã có thành tích học tập các cấp rất tốt, học chuyên ban từ phổ thông, hay là top ở các trường phổ thông, đại học, rất nhiều bạn đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh, sinh viên giỏi và nghiên cứu khoa học các cấp.
Có thể thấy ngành CNTT là ngành có yêu cầu khá cao về cả thái độ, kiến thức, kỹ năng. Điều này bởi nhiều lý do:
- Bản thân ngành CNTT là mới (so với rất nhiều ngành khác), lại rất rộng, yêu cầu nhiều kiến thức nền tảng nhưng lại được trang bị khá muộn trong các trường phổ thông.
- Công nghệ phát triển chóng mặt, thay đổi liên tục, khiến người làm CNTT nếu không liên tục nghiên cứu, học hỏi, thích ứng thay đổi thì sẽ sớm bị đào thải nhanh chóng.
- Mức độ cạnh tranh cao và không phân biệt tuổi tác. Do sự thay đổi hàng ngày của công nghệ, yếu tố kinh nghiệm trong CNTT thường mờ nhạt hơn rất nhiều so với các ngành khác. Một sinh viên giỏi mới ra trường làm 1–2 năm với công nghệ hiện đại có thể dễ dàng vượt qua cả về năng suất lẫn chất lượng công việc so với một người với hàng chục năm kinh nghiệm nếu không chịu cập nhật công nghệ thường xuyên. Phải nói thêm, việc “cập nhật công nghệ” ở đây là để làm việc, tức là học nghề để áp dụng vào công việc, chứ không phải đơn thuần là cập nhật tin tức về công nghệ qua báo chí, truyền hình một cách giải trí.
Nghề nào phù hợp?
Do tính cạnh tranh cao và không phân biệt tuổi tác như đề cập phía trên, ở Việt Nam, mình thường thấy hầu hết mọi người làm "kỹ thuật" trong ngàng CNTT thông thường chỉ làm khoảng chục năm hoặc ít hơn, sau đó chuyển hướng qua "quản lý" hay "kinh doanh", một là vì không theo kịp thế hệ trẻ đi sau, cảm thấy mệt mỏi, hao mòn, hai là nếu không "thăng chức" sẽ bị coi là kém cỏi vì mãi chỉ làm kỹ thuật. Nhưng theo mình, dù làm kỹ thuật, quản lý, kinh doanh... đều là các "nghề" khác nhau, yêu cầu các kỹ năng khác nhau và phù hợp với từng cá nhân khác nhau. Tiếp xúc với các công ty nước ngoài sẽ thấy điều này rất rõ, làm lập trình viên, hay làm quản lý dự án đều là các nghề, và người ta sẽ làm mãi nghề đó nếu thấy còn phù hợp với bản thân, cả về sở thích, năng lực lẫn thu nhập. Làm quản lý không có nghĩa là thu nhập tốt hơn, hay có địa vị cao hơn, nó chỉ là công việc với tính chất khác. Đồng nghiệp và là quản lý trực tiếp làm việc hàng ngày với mình là một anh người Ý, nhiều năm làm việc ở khắp các nước trên thế giới: Hà Lan, Mỹ, Canada, Singapore, gần 50 tuổi, và vẫn đang làm kỹ thuật thuần tuý. Mình cũng có hỏi về vấn đề này, anh ý trả lời: “Anh không giỏi làm quản lý, giám sát các thành viên trong nhóm, anh chỉ thích nghiên cứu và làm kỹ thuật, được cập nhật công nghệ hàng ngày. Và trí nhớ và suy nghĩ của tôi vẫn hoạt động tốt, chừng nào vẫn còn nhớ tốt thì vẫn sẽ làm kỹ thuật”, và anh này là một đội trưởng kỹ thuật rất tốt, đạo tạo, huấn luyện và truyển cảm hứng học hỏi cho đội. Hay hồi qua Mỹ công tác nửa năm, mình có làm việc cùng những đồng nghiệp hơn 60 tuổi, vẫn hàng ngày thiết kế mạch, lập trình vi điều khiển, và rất uyên bác về mọi công nghệ, xu hướng hiện đại.
Mình muốn nhấn mạnh ở đây là chọn nghề không nên quá theo đuổi xu hướng, mà quan trọng hơn là: trong những xu hướng đó, lựa chọn công việc phù hợp với mình. Vậy những ai phù hợp với CNTT? Theo mình, những người phù hợp với CNTT là những người:
- Thích công nghệ. Dấu hiệu: thích đồ mua, đọc đánh giá, ngắm nghía các đồ công nghệ, thích chơi game, hay tìm tòi, thử nghiệm các tính năng phần mềm, trang web...
- Tư duy logic tốt và thích logic chặt chẽ. Dấu hiệu: thích học toán, thích lập trình (thích hơn học toán), thích các trò chơi logic, các bài test IQ...
- Thích thử thách. Dấu hiệu: tự vào các trang mạng giải toán, giải bài các bài lập trình, thích chế độ thi đấu trực tuyến, chơi các trò chơi trí tuệ....
- Cầu toàn. Dấu hiệu: Luôn không ưng ý với những gì đang có, luôn muốn nâng cấp, sửa đổi từ những thứ nhỏ nhất.
Một số việc làm có nhu cầu cao trong ngành công nghệ
- Lập trình viên (Dev - Developer)
- Nhà khoa học dữ liệu (Data Scientist)
- Kỹ sư học máy/trí tuệ nhân tạo (AI/ML Engineer)
- Kỹ sự DevOps (DevOps engineer)
- Kỹ sư các hệ thống đám mây (Cloud systems engineer)
- Chuyên gia bảo mật (Security professionals)
- Chuyên viên phân tích nghiệp vụ (BA - Business Analyst)
- Chuyên viên trí tuệ doanh nghiệp (BI - Business Intelligence Analyst)
- Quản trị hệ thống và mạng (SA - System Administrators)
- Quản trị CDSL (DBA - Database Administrator)
Công việc cụ thể của các vị trí này nằm ngoài phạm vi của bài viết này, mình sẽ viết cụ thể hơn ở một bài khác, mọi người có thể tham khảo link cuối bài để biết thêm thông tin.
Trong số đó một số nghề mới trở nên phổ biến gần đây, cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, và chắc chắn sẽ vẫn là các nghề hot trong một thời gian tới như Data Scientist, AI/ML Engineer, Business Intelligence Analyst…
Một số việc khác có thể sẽ thành "hot trend" trong tương lại không xa có thể kể đến như: kỹ sư vạn vật kết nối (IoT Engineer); kỹ sư nhà thông minh (Smart Home Engineer); kỹ sư xe tự lái, xe bay, robot; kỹ sư công nghệ xử lý rác thải, nước thải; kỹ sư thực tế ảo...
Thế hệ trẻ cần chuẩn bị gì để bước vào ngành CNTT trong tương lai
- Làm quen, sử dụng các phần mềm máy tính (không phải game) càng nhiều càng tốt: Paint, Word, Powerpoint, Excel, Windows, Photoshop, Illustrator, Algodoo... (từ Tiểu học)
- Tiếp xúc, học càng nhiều càng tốt các khoá học STEM (online hoặc offline): lập trình, thuật toán robotics, sáng tạo công nghệ... (từ Tiểu học)
- Học chắc chắn các môn toán, và tiếp xúc, học nhiều về các môn toán đặc biệt cần thiết cho ngành khoa học máy tính. Ở Tiểu học và THCS: các môn toán trong trường phổ thông, logic, đồ thị (graph), tập hợp, toán tổ hợp, xác suất... Ở các cấp cao hơn: toán rời rạc, xác suất, thống kê, đại số tuyến tính, giải thích hàm nhiều biến…
- Tiếp xúc với lập trình thuật toán, lập trình ứng dụng càng nhiều càng tốt.
- Tham gia làm sản phẩm công nghệ thông tin (phần mềm, website, sản phẩm công nghệ...) trong các cuộc thi sáng tạo, tin học trẻ..., và tự làm các sản phẩm công nghệ, phần mềm phục vụ chính nhu cầu của mình và những người xung quanh.
- Tham gia, tương tác trên các cộng đồng công nghệ, lập trình trực tuyến
Nội dung, lộ trình, tài liệu học lập trình cụ thể cho các bạn nhỏ từ cấp 2 trở lên mình đã post trước đó. Nội dung và tài liệu cho các bạn nhỏ hơn (tiểu học, tiền tiểu học) mình sẽ chia sẻ ở một bài post khác.
Nguồn: justinvo.com
All rights reserved