+4

Để có 500 thành viên đầu tiên cho dự án của bạn - Introvert's Hacks [Phần 2]

Đây là phần thứ 2 trong series chia sẻ kinh nghiệm để có được 500 người dùng đầu tiên cho một dự án (áp dụng cho ứng dụng web/điện thoại).

Tuần trước, mình có đề cập đến giai đoạn tìm ý tưởng và thử tính khả thi (validate idea) trước khi tiến hành phát triển sản phẩm. Bạn có thể tham khảo tại Để có 500 thành viên đầu tiên cho dự án của bạn [Phần 1]. Trong phần này, mình sẽ đề cập đến 1 số điểm quan trọng (chưa nhắc đến) ở phần 1, cách để tạo mối liên kết với những người dùng đầu tiên và tạo bằng chứng xã hội (social proof).

1. Tạo cơ hội để liên kết với người quan tâm ở trang landing page

Có một điểm khá quan trọng khi tạo dựng landing page, thu thập email của những người quân tâm, đó là việc đưa ra một câu hỏi. Ví dụ "Bạn có thắc mắc gì không?". Phần này không bắt buộc người dùng điền vào. Phần điền email của landing page

Việc đưa ra câu hỏi này có 2 tác dụng: Thứ 1 là biết được những thứ người dùng quan tâm, giải quyết thắc mắc và đôi khi giúp bạn khám phá ra những góc cạnh mình chưa nghĩ đến.

Ví dụ nhiều người quan tâm tới giá thành, cách hoạt động. Ban đầu, mình chỉ nghĩ đến việc kết nối khách hàng với photographer làm việc tự do (freelancers), sau mới biết có những đội ngũ photographers cũng quan tâm, và một số photographer cần tìm người chụp (miễn phí) để lên tay.

Thứ 2, khi người quan tâm để lại câu hỏi và bạn trả lời, đây là một cơ hội để tạo mối liên kết với những người dùng đầu tiên. Phần này có thể tiêu tốn nhiều thời gian vì bạn sẽ phải gửi và trả lời email một cách thủ công. Nhưng nó lại một công việc quan trọng giúp tạo thiện cảm đối với người quan tâm.

Ngoài ra, đối với những người quan tâm không để lại câu hỏi, bạn có thể gửi thư cám ơn. Nên sắp xếp thời gian để tránh việc tập trung quá nhiều vào 1 công việc, trong khi đó vẫn có nhiều thứ khác cũng rất quan trọng.

P/s: Về vấn đề chạy ads, mình nghĩ nên tạm dừng lúc này. Vì khi hoàn thành sản phẩm ban đầu, không phải 100% người quan tâm sẽ đăng ký trở thành thành viên. Để lúc website đã online rồi bật lại thì người quan tâm sẽ đăng ký trở thành thành viên luôn.

Một điều quan trọng cũng nên lưu ý, là địa chỉ sử dụng để gửi email. Có thể sử dụng dịch vụ phổ biến như gmail, yahoo, v.v. Nhưng tốt hơn là nên đăng ký 1 tên miền cho sản phẩm, sau đó tạo và sử dụng email với tên miền đó. Làm như vậy giúp người nhận email thấy được sự nghiêm túc và chuyên nghiệp của sản phẩm.

2. Phát triển sản phẩm với những chức năng chính

Bài viết này sẽ không đề cập chi tiết về việc phát triển sản phẩm, nhưng một số điểm cần lưu ý ban đầu. Do thời gian, nguồn lực có hạn và tránh trường hợp xây dựng tính năng thừa, bạn chỉ nên tập trung phát triển sản phẩm với những tính năng chính trước (hay còn gọi là Minimum Viable Product - MVP). Những tính năng thêm chỉ nên xây dựng khi dữ liệu thu thập được cho thấy nó cần thiết, hoặc bạn muốn thử nghiệm. Ví dụ đối với TRIPO, mình phát triển chức năng đăng ký thành viên, tạo yêu cầu và chức năng up ảnh cho photographers.

Quá trình xây dựng sản phẩm

Ngoài ra, tích hợp những công cụ thống kê để biết thêm về người dùng, như Google Analytics. Những công cụ này sẽ đưa ra số liệu quan trọng, giúp bạn cải thiện sản phẩm, chọn ra những chức năng cần thiết trong thời gian tới. Ví dụ, bạn sẽ biết được người dùng sử dụng website mình trong bao lâu, họ đến từ những khu vực nào, thiết bị sử dụng, v.v

Cố gắng giới hạn trong vòng 1 tháng để hoàn thành phiên bản đầu tiên. Và song song vào đó, tiếp tục trả lời thắc mắc của người quan tâm.

Khi phiên bản đầu tiên đã sẵn sàng, hãy gửi một email thông báo cho những người quan tâm. Lúc này bạn có thể xuất danh sách người dùng đã đăng ký, sử dụng công cụ gửi email hàng loạt như Mailchimp (dễ sử dụng, miễn phí 2000 subscribers), hoặc Mailmeteor (gửi email từ Google Spreadsheet, dễ sử dụng, miễn phí 100 email mỗi ngày).

Do bạn đã tạo những liên kết đầu tiên bằng việc giải đáp thắc mắc, hoặc email cảm ơn, tỉ lệ người quan tâm đăng ký sẽ cao hơn nhiều so với việc chỉ gửi email thông báo mà chưa có liên lạc từ trước. (Mình không có số liệu thống kê rõ ràng nhưng mà rút ra từ những dự án trước đây).

3. Tạo dựng bằng chứng xã hội (social proof)

Bằng chứng xã hội có thể hiểu là đưa ra những bằng chứng cho khách thấy được sản phẩm của bạn đã có người sử dụng, để họ có thể tin tưởng hơn và đăng ký sử dụng sản phẩm của bạn. Tuy là website đã sẵn sàng nhưng vẫn còn một số thứ để làm, mình quyết định trì hoãn việc khai trương đến gần 1 tháng. Trong thời gian này, một số photographers đã dần hoàn thiện profile, đăng lên những tấm ảnh rất đẹp.

Profile của Aiméfotos

Profile của Aiméfotos

Tuỳ vào sản phẩm mà bạn có thể đưa ra bằng chứng xã hội. Ví dụ trong trường hợp này, mình có thể đưa ra danh sách photographer nổi bật. Thế là mình quyết định lên danh sách những photographer này, gửi email xin sử dụng ảnh trên những kênh MXH. Vì ảnh chụp liên quan đến vấn đề bản quyền, và đây cũng là cơ hội để tạo những liên lạc đầu tiên với photographers.

Mẫu email mình đã sử dụng

Về phong cách nội dung email thì mình nghĩ tốt nhất nên ngắn gọn, lịch sự và thẳng thắng. Sẽ có nhiều email không được hồi âm, hoặc không như mong muốn vì nhiều lý do khác nhau, như thư của bạn lọt vào thư rác. Hoặc trong trường hợp mình là do vấn đề bản quyền. Nhưng cũng có nhiều hồi âm tích cực, đồng ý cho phép sử dụng ảnh của họ \m/

Screenshot 1 cuộc đối thoại

Vậy là mình có được một danh sách những photographers nổi bật, với sự đồng ý sử dụng ảnh của họ để sử dụng trên cả facebook và website. Bên dưới là ví dụ thiết kế bằng chứng xã hội:

Thành viên nổi bật - www.tripo.vn

Bạn hãy cố gắng tận dụng những cơ hội để tăng độ tin tưởng vào bằng chứng xã hội của sản phẩm. Như trong ví dụ trên, mình tạo liên kết đến profile của những photographers này. Tránh trường khách truy cập nghĩ danh sách này là "hư cấu".

P/s: Nếu các bạn có đọc qua, rất cám ơn những photographers đầu tiên như Aiméfotos, Mạnh Khang, Lê Võ Phi Phi, Oanh Lê, Tâm Vũ, Dương Tuấn, Hoàng Linh, Võ Đăng Khoa, và nhiều photographers khác nữa, đã đồng ý việc sử dụng ảnh của các bạn.


Tới đây bạn hỏi, thế có được 500 người dùng rồi thì làm gì tiếp? Đây mới chỉ là mở đầu cho một công cuộc phát triển sản phẩm. Mỗi sản phẩm có thể mất nhiều năm để có thể tồn tại và thành công (ví dụ mốc quan trọng 3 năm). Vậy thì từ đây, bạn nên tìm, học thêm những cách đưa sản phẩm đến với nhiều người hơn nữa.

Ví dụ phát triển chương trình giới thiệu - referral program, cho phép thành viên giới thiệu bạn bè của họ. Dropbox - một dịch vụ lưu trữ trực tuyến đã tăng 3900% người dùng thông qua referral program. Ngoài ra, còn những cách như cải thiện SEO, viết blog, giúp có thêm người dùng qua kênh tìm kiếm. Phát triển hình ảnh sản phẩm trên mạng xã hội, v.v. Mình sẽ tìm và viết về những cách này trong những bài viết tới. Ngoài ra, bạn cần cải thiện những tính năng đã có, phát triển thêm những tính năng mới mà người dùng mong muốn. Và chưa nói đến vấn đề pháp lý, khi bạn phải thành lập công ty, việc thu hút và giữ nhân tài, gọi vốn v.v.

Trong thực tế, những điều cơ bản về phát triển sản phẩm và người dùng là giống nhau, nhưng cách để thực hiện thì có thể rất khác nhau vì có nhiều yếu tố ảnh hưởng.


Như vậy, qua 2 phần của bài viết, hy vọng bạn cũng nắm được 1 cách phát triển sản phẩm trong thời gian đầu (theo kiểu một người hướng nội). Đến đây thì ứng dụng của bạn cũng đã có một lượng thành viên nhất định. Để phát triển người dùng hơn nữa, bạn có thể tìm đọc "The Bullseye Framework for Getting Traction" do Gabriel Weinberg viết (tiếng Anh). Sách này nói chi tiết từng bước về việc liệt kê, tìm ra tất cả những kênh marketing, sau đó chọn ra một số kênh và thử nhiệm. Mục tiêu là để lọc ra những kênh marketing tốt nhất và tập trung để phát triển người dùng (giống kiểu thử nghiệm ý tưởng khả thi như mình nói đến ở phần 1). Cảm ơn bạn đã quan tâm bài viết, hẹn bạn ở những bài viết sau.

Chúc bạn thành công!

Nếu bạn có bình luận hoặc ý kiến đóng góp thì mình rất hoan nghênh. Lưu ý: nội dung mình chia sẻ là trải nghiệm khi phát triển TRIPO (www.tripo.vn), có thể không khả thi với một số hợp khác


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí