+3

Đặt mục tiêu tốt với SMART (phần 1)

Bạn có biết chỉ có 3% người đặt mục tiêu cho công việc và theo thống kê những người này có tỷ lệ hoàn thành công việc gấp 10 lần những người khác.

Một mục tiêu tốt chiếm 50% cơ hội thành công. Vậy tại sao phần lớn mọi người lại thường không đặt mục tiêu cho mình?

"Tôi muốn có sức khỏe tốt."

"Tôi muốn có nhà đẹp."

"Tôi muốn có xe hơi."

Những thứ đó có phải là mục tiêu không?

Tất nhiên là không. Chúng chỉ là những ước mơ!

"Đặt mục tiêu trong đầu mình là được rồi, tại sao phải viết nó ra?"

Bạn có biết, não của bạn rất bận rộn với khoảng 1500 suy nghĩ/phút.

Các mục tiêu của bạn nằm ở đâu trong mớ lộn xộn các suy nghĩ đó?

Bạn có biết, hiện tại mình có bao nhiêu mục tiêu không?

Chúng có liên quan đến nhau không? Chúng có xung đột lẫn nhau không?

Đến bao giờ thì các mục tiêu đó được hoàn thành?

Đó là cả một thế giới mơ hồ nếu bạn không viết nó ra khỏi đầu.

"Tôi vẫn biết là sẽ rất tốt nếu đặt mục tiêu cho mình nhưng mà khó lắm, tôi không biết cách làm."

Đừng lo! Đặt mục tiêu là một kỹ năng, mà kỹ năng thì có thể học được, có thể rèn luyện được.

Trước tiên, hãy tìm hiểu thế nào là một mục tiêu tốt, sau đó, chúng ta hãy cùng thực hiện các bước để đặt được mục tiêu tốt cho mình.

Bạn băn khoăn không biết thế nào là một mục tiêu tốt?

Hãy sử dụng SMART.

SMART là một tiêu chuẩn mục tiêu được sử dụng rộng rãi với tính hiệu quả, dễ hiểu và dễ áp dụng.

Theo SMART, một mục tiêu tốt cần đạt được các tiêu chí sau:

  • S - Specific: Cụ thể
  • M - Measurable: Đo được
  • A - Attainable: Khả thi
  • R - Relevant: Thực tế
  • T - Time-bound: Ràng buộc về thời gian

Việc áp dụng các tiêu chuẩn SMART là không khó, tuy nhiên bạn cũng cần phải làm quen và luyện tập với các bước để định nghĩa mục tiêu.

Trước tiên, hãy đạt được chứ S, tức là một mục tiêu cụ thể.

  1. Việc đầu tiên là cần xem mình muốn cái gì.

Ví dụ: Tôi muốn cải thiện trình độ nói tiếng Anh. Tôi muốn tăng cường sức khỏe. Tôi muốn làm việc tốt hơn.

  1. Ở bước này, mục tiêu vẫn đang ở giai đoạn ý tưởng khá chung chung.

Do đó tiếp theo, chúng ta cần xác định là một mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn rồi thêm vào các chi tiết khác để cụ thể hóa nó.

Để chi tiết hóa cái mình muốn, bạn hãy định nghĩa rõ những từ ngữ dùng trong mục tiêu của mình.

Ví dụ: Như thế nào được coi là cải thiện trình độ nói tiếng Anh?

Bạn sẽ đạt được điểm cao hơn trong kỳ thi TOEIC tiếng Anh?

Hay bạn có thể xem phim nói tiếng Anh?

Hay bạn có thể đọc sách nói tiếng Anh?

Hay bạn có thể trình bày trong một buổi hội thảo nói tiếng Anh?

Tùy theo tình huống cụ thể của mỗi người mà chúng ta sẽ chọn cho mình những chi tiết phù hợp.

  1. Hãy chỉ rõ địa điểm mà mình sẽ thực hiện kế hoạch để đạt được mục tiêu này.

Ví dụ: Bạn sẽ tham gia một khóa học online vào mỗi buổi tối ở nhà hay bạn sẽ đăng ký học ở trung tâm tiếng Anh.

  1. Bạn cần thực hiện điều gì để đạt được mục tiêu và có những khó khăn nào cản trở bạn?

Ví dụ: Bạn cần dành 2 tiếng để học online vào buổi tối. Khó khăn là có thể ở nhà bạn phải làm nhiều việc.

  1. Hãy nghĩ kỹ lí do vì sao mình có mục tiêu này.

Việc biết được lí do sẽ giúp bạn xác định xem liệu mục tiêu này có đáp ứng được kỳ vọng của mình hay không.

Ví dụ: Lý do là vì bạn cần chứng chỉ tiếng Anh để xin việc thì có thể bạn sẽ đặt mục tiêu khác so với nếu lấy lý do là bạn cần làm việc trực tiếp với khách hàng nói tiếng Anh hay bạn chuẩn bị ra nước ngoài làm việc.

Một cách làm tốt để đảm bảo mục tiêu của mình đủ chi tiết đó là trả lời một số câu hỏi như

  • Mình muốn cái gì?
  • Điều đó có nghĩa là gì?
  • Những ai có liên quan?
  • Ở đâu?
  • Khi nào?

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu chi tiết về các chữ cái tiếp theo của SMART trong bài sau nhé.


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí