Cần những yếu tố nào để có thể trở thành một tester giỏi
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 8 năm
Trong lĩnh vực phần mềm, ngoài nghề lập trình ra thì nghề kiểm tra chất lượng phần mềm (còn gọi là Tester hay QC Engineer) có vị trí còn khá mới mẻ đối với người học công nghệ thông tin.
Điều đầu tiên phải nói đến về tiềm năng của nghề đó là nhu cầu nhân lực: đây là một nghề cực kì khát nhân lực. Những ai theo học ngành CNTT đều đa phần là nghĩ ngay đến nghề lập trình vì thế khiến đầu ra của nghề tester có số lượng thấp hơn hẳn khiến các nhà tuyển dụng lao đao trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực.
Nếu ở nước ngoài, tại các công ty phần mềm, trung bình cứ một lập trình viên thì có tới bốn tester. Nhưng ở Việt Nam thì ngược lại, tỉ lệ này giảm xuống còn 1:5, nghĩa là 1 tester tương ứng với 5 lập trình viên và chỉ có những công ty phần mềm lớn mới có đội ngũ nhân viên tester.
Vậy để trở thành một tester giỏi, chúng ta cần những gì ??? Trong bài viết này, tôi xin đề cập đến một số các yếu tố cần thiết như sau:
1 - Hiểu rõ bản chất công việc của mình
Chúng ta cần hiểu rõ rằng, tester là người chịu trách nhiệm kiểm soát và bảo đảm chất lượng của sản phẩm. Hiểu rõ được công việc, nhiệm vụ của mình sẽ giúp mỗi người biết được điểm mạnh của mình là gì, điểm yếu của mình là gì, cần phải bổ sung các kiến thức gì để phục vụ cho công việc
2 - Kiến thức chung về kỹ thuật
Nghề kiểm thử phần mềm không đòi hỏi chúng ta phải tạo ra một sản phẩm, cũng không cần chúng ta phải đưa ra những ý tưởng lớn lao nhưng sẽ là một lợi thế nếu chúng ta biết về công nghệ tạo ra nó.
Việc tìm ra lỗi của sản phẩm ở thời điểm càng sớm thì tổn thất lại càng ít cho nên việc nắm bắt được một ngôn ngữ lập trình nào đó, dù chỉ là kiến thức cơ bản nền tảng thôi cũng giúp chúng ta hiểu được về kiến trúc của hệ thống phần mềm, hiểu được nó hoạt động ra sao, cấu trúc của nó như thế nào. Những kiến thức đó không chỉ giúp chúng ta có thể phát hiện ra lỗi trực tiếp trên source code của developer mà còn giúp ích cho chúng ta rất nhiều trong quá trình kiểm tra sự tích hợp và vận hành sản phẩm trên những môi trường khác nhau
Bên cạnh đó, chúng ta cần không ngừng học hỏi tìm hiểu các công cụ kiểm thử tự động các công nghệ mới để hỗ trợ cho công việc của chúng ta ngày một hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn
3 - Kiến thức đặc thù cho từng dự án
Việc chúng ta biết thêm các kiến thức liên quan đến dự án đang làm cũng giúp ích rất nhiều trong công việc kiểm thử. Ví dụ như chúng ta phải kiểm thử một game về thể thao mà chúng ta lại không biết gì về thể thao, về luật chơi thì cũng là một bất lợi. Hoặc trong trường hợp chúng ta phải kiểm thử một phần mềm liên quan đến kế toán, công nợ, sổ sách, hóa đơn tài chính mà lại không có kiến thức về tài chính thì chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn
4 - Kỹ năng mềm
Ngoại ngữ là yếu tố quan trọng nhất, kỹ năng giao tiếp là yếu tố quan trọng thứ hai
Kỹ năng giao tiếp tốt giúp chúng ta trình bày một cách mạch lạc, dễ hiểu, giúp cho developer và tester tránh được không ít những mâu thuẫn vì mục đích chung không phải là có lỗi hay không mà là giúp cho sản phẩm tốt hơn, dự án hoạt động tốt, khách hàng vui vẻ
Hợp tác, nhún nhường, quyết đoán và cư xử một cách thông minh là những tố chất nên có nếu chúng ta muốn trở thành một tester giỏi bởi lẽ mỗi người có một cách nhìn nhận vấn đề và cách phán xét theo cái lý riêng của họ cho nên ở mỗi góc nhìn khác nhau thì khó có thể đúng sai rạch ròi. Với những người cố chấp, càng cãi lại họ thì họ càng đinh ninh là mình đúng. Chỉ cần dùng hành động chứng minh, nhận ra hay không đó là do mỗi người
5 - Kỹ năng đặc biệt
Muốn trở thành một tester giỏi thì chúng ta cần phải có những yếu tố sau
-- Do đặc trưng của nghề nên các tester cần phải có tính tỉ mỉ, cẩn thận
-- Bản thân phải thực sự yêu thích tìm hiểu, khám phá, học hỏi
-- Cảm thấy bực bội khi vướng mắc bởi một thứ rườm rà, khó hiểu, khó sử dụng
-- Cảm thông với khó khăn và vướng mắc của developer
-- Biết lên tiếng khi quy trình không tốt, cách làm việc không phù hợp hoặc gặp trục trặc gây cản trở công việc. Hãy mạnh dạn bày tỏ quan điểm với đồng nghiệp, với cấp trên
6 - Một số yếu tố khác:
-- Tăng cường nói chuyện với người phát triển để hiểu hơn về sản phẩm. Bất cứ lúc nào có thể thì nên giao tiếp trực tiếp cho dù có các cuộc tranh luận để có thể giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng và để các hiểu lầm không cần thiết. Đặc biệt sau khi tranh luận và có phương án giải quyết thì hãy lưu giữ lại bằng văn bản như các trang quản lý chung của dự án hay mail...Đừng giữ bất kỳ thứ gì bằng lời nói.
-- Mô tả, báo cáo lỗi rõ ràng, cụ thể hết mức có thể. Đừng chỉ cung cấp các lỗi xấu tìm được mà cũng phải cung cấp các tác động của lỗi và đưa ra tất cả các tình huống ảnh hưởng và các giải pháp có thể giải quyết vấn đề
-- Học cách phân tích thông qua kết quả test của bạn. Một tester sẽ được đánh giá cao nếu họ không chỉ giải thích những thiếu sót mà còn cung cấp các giải pháp cho vấn đề đó
Tóm lại, kiểm định chất lượng là một công việc đòi hỏi sự sáng tạo và có rất nhiều thử thách. Chính vì lẽ đó mà một tester chúng ta vừa phải có cái nhìn của người phát triển phần mềm và vừa phải có cái nhìn của người dùng cuối. Để trở thành một tester giỏi chúng ta cần phải học rất nhiều thứ để không những đưa ra được những sản phẩm có chất lượng tốt theo yêu cầu của khách hàng mà còn phải nắm bắt được xu hướng của thị trường để tư vấn và đưa ra quan điểm của mình về sản phẩm
Nguồn tham khảo
http://forums.testervn.com/archive/index.php/t-2855.html
http://khcn.hoasen.edu.vn/dinh-huong-nghe-nghiep-tro-thanh-tester-hay-developer
All rights reserved