CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUYẾT ĐỊNH ĐỊNH GIÁ BÁN SẢN PHẨM TRONG DOANH NGHIỆP
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 3 năm
Định giá bán sản phẩm có vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp vì nó tác động tới mức doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp:giá bán cao tạo ra mức lợi nhuận lớn, giá bán thấp thì có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Giá bán sản phẩm còn thể hiện trình độ tổ chức và quản lý các yếu tố sản xuất của các nhà quản trị. Mặt khác, giá bán là thước đo thể hiện giá trị của sản phẩm do vậy nó ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của chính doanh nghiệp trên thương trường.
Chính vì vây, các quyết định về giá bán sản phẩm thường là những quyết định chiến lược sống còn của doanh nghiệp và nó chịu ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố khác nhau như nhân tố bên trong, bên ngoài, nhân tố tích cực, tiêu cực, nhân tố định tính và định lượng..
Những nhân tố này có thể chia thành 2 nhóm cơ bản:
-
Các nhân tố bên trong doanh nghiệp
-
Các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp
1. Các nhân tố bên trong doanh nghiệp
- Mục tiêu của doanh nghiệp: đây không phải là nhân tố tác động trực tiếp song là nhân tố tác động gián tiếp tới việc hình thành giá bán khác nhau. Các mục tiêu của doanh nghiệp thường thể hiện trong từng giai đoạn khác nhau, có thể mục tiêu trước mắt là lợi nhuận hay cạnh tranh với đối thủ hay có thể mục tiêu cuối cùng là phi lợi nhuận hay lợi nhuận hoặc doanh nghiệp được hỗ trợ ngân sách hoạt động hay tự chủ kinh phí.. Tất cả những mục tiêu đó đều ảnh hưởng đến giá bán sản phẩm của doanh nghiệp.
- Chính sách marketing trong doanh nghiệp: đây là yếu tố quan trọng đến quyết định định giá sản phẩm. Thông thường giá bán sản phẩm phụ thuộc rất nhiều vào chính sách bán hàng của doanh nghiệp. Chính sách bán hàng được thực hiện thông qua một chuỗi các công việc từ khi quảng cáo thâm nhập thị trường, xây dựng hệ thống phân phối bán hàng, bảo hành sau khi bán.
- Chi phí sản xuất ra sản phẩm: là yếu tố có tính chất quyết định tới việc hình thành và vận động của giá bán sản phẩm. Chi phí của sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả và hiệu quả tài chính cuối cùng của doanh nghiệp, đó là nhân tố để doanh nghiệp tồn tại và phát triển như thế nào trên thị trường. Do vậy chỉ cần sự thay đổi đáng kể của chi phí, các nhà quản tri lại có quyết định định giá mới.
2**.Các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp**
Những nhân tố bên ngoài doanh nghiệp thì các nhà quản trị thường không kiểm soát và thay đổi được. Các nhân tố bên ngoài thường tồn tại một cách khách quan và tác động trực tiếp tới sự hình thành các mức giá khác nhau. Do vậy các quản lý phải cân nhắc, phân tích cẩn thận các yếu tố bên ngoài để xác định mức ảnh hưởng như thế nào trong các quyết định, định giá bán sản phẩm của mình.
- Nhu cầu thị trường: là yếu tố quan trọng nhất của bất kỳ nhà quản trị kinh doanh nào. Trước khi nhà quản trị đưa ra quyết định sản xuất sản phẩm gì, cần phải tính toán ngay sản phẩm đó tiêu thụ ở thị trường nào và phục vụ cho ai, nắm bắt thông tin về số lượng khách hàng có nhu cầu, mức thu nhập của khách hàng, số lượng các sản phẩm cùng loại trên thị trường và khối lượng các sản phẩm của từng nhà cung cấp ra thị trường. Các nhà quản trị cũng cần dự đoán xu hướng vận động nhu cầu của thị trường để đưa ra các quyết định định giá sản phẩm đúng thời điểm nhằm tối đa hóa lợi nhuận.
- Tính cạnh tranh của các sản phẩm cùng loại trên thị trường: đây là nhân tố rất quan trọng trong các quyết định định giá bán sản phẩm. Đối với các sản phẩm độc quyền bán, nhà quản trị có thể định giá bán sản phẩm cao nhằm thu tối đa lợi nhuận. Đối với các sản phẩm cạnh tranh nhà quản trị đưa ra giá bán phù hợp vì nếu giá bán cao quá sẽ không tiêu thụ được, hoặc giá bán thấp quá, doanh nghiệp sẽ mất đi một mức lợi nhuận. Do vậy các nhà quản trị cần nghiên cứu yếu tố cạnh tranh trên thị trường thông qua những điểm như : Uy tín và vị thế của doanh nghiệp, Chiến lược dài hạn của doanh nghiệp như thế nào, Các chỉ tiêu tài chính đã minh bạch trên thị trường chứng khoán ra sao…
- **Các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ: **các chính sách kinh tế này được thể hiện từ những văn bản có giá trị pháp lý cao nhất như Hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước-quy định những điều mà doanh nghiệp phải chấp hành trong việc định giá sản phẩm như không lũng đoạn thị trường. Đối với các sản phẩm đặc biệt có tính chất thiết yếu hay quốc phòng, nhà nước can thiệp vào các quyết định giá. Nhà nước có thể đưa ra các khung giá quy định, trên cơ sở đó doanh nghiệp đưa đưa ra các mức giá phù hợp. Các quy định của các Bộ, Tỉnh về quy hoạch tổng thể hay chiến lược phát triển dài hạn đều ảnh hưởng đến các quyết định định giá bán sản phẩm cụ thể của doanh nghiệp. Sự ổn định về chế độ chính trị là nhân tố quyết định đến quá trình thu hút đầu tư và định giá bán sản phẩm của các doanh nghiệp. Do vậy các nhà quản trị cần nghiên cứu, phân tích các chính sách kinh tế vĩ mô tại địa phương mình kinh doanh để đưa ra các quyết định, định giá bán sản phẩm cho phù hợp.
- Các nhân tố tổng thể trong môi trường kinh doanh: đó là những yếu tố nhà quản trị cần thu thập, phân tích để đưa ra các quyết định định giá bán sản phẩm phù hợp. Các yếu tố này bao gồm số lượng dân số, điều kiện tự nhiên của các vùng miền, trình độ kỹ thuật, công nghệ của từng nơi. Các yếu tố này thông thường có mối quan hệ với nhau trong quá trình phân tích để đưa ra quyết định.
Ví dụ: các tỉnh đồng bằng thường tập trung một lượng dân cư dồi dào, có mức thu nhập đáng kể, cơ sở hạ tầng giao thông thuận tiện, do vậy có lợi thế so sánh hơn các tỉnh miền núi nên giá cả tại hai vùng miền này sẽ có sự điều chỉnh phù hợp.
Trên đây là các yếu tố chính gây tác động đến các quyết định về giá sản phẩm của doanh nghiệp,yếu tố quyết định sống còn ảnh hưởng đến thành công của mỗi doanh nghiệp. Phần sau mình sẽ đưa ra các bài toán cụ thể để đưa ra cách tính định giá trong một số trường hợp đực trưng sau.
All rights reserved