+16

Các dấu hiệu cho thấy bạn phù hợp với nghề lập trình viên

Lập trình viên hiện nay đã, đang và có lẽ vẫn sẽ luôn là ngành hot nhất trong vài năm nữa, khi công nghệ ngày càng phát triển như vũ bão cũng như giá trị và cách nó hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta hàng ngày. Có người còn nói đùa rằng "Lập trình viên là vua của mọi nghề". Tuy nhiên bước chân vào ngành này và gắn bó lâu dài với nó - thì có lẽ, không phải ai cũng phù hợp để trở thành một lập trình viên được. Qua ba năm kinh nghiệm gắn bó với nghề, mình biết có rất nhiều người cố theo đuổi đã đi làm một vài tháng hay thậm chí một vài năm và cũng bỏ nghề vì cảm thấy không phù hợp với ngành nghề đã chọn. Bài viết hôm nay, mình sẽ không nói về công nghệ. Và những "dấu hiệu cho thấy rằng bạn phù hợp với nghề lập trình viên" sẽ là chủ đề chính trong bài viết. Mọi người cùng tham khảo và xem mình liệu có phù hợp với nghề là vua của mọi nghề này không nhé!

1. Có thể tự học, tự tìm hiểu, giải quyết vấn đề

Trong trường học, chúng ta đều phụ thuộc vào giáo viên, giảng viên để tiếp thu kiến thức. Chúng ta bị động khi tiếp nhận kiến thức, thầy cô dạy kiến thức gì thì chỉ biết tới đó và không thể tự học và tìm hiểu thêm những thứ rộng hơn. Hoặc nhiều người học từ trung tâm được cầm tay chỉ việc từ A->Z. image.png Đến khi đi làm, cũng phụ thuộc vào công ty, mentor chỉ dạy, chỉ gì thì biết đấy, được dạy ngôn ngữ nào chỉ biết ngôn ngữ đấy. Nhưng đôi khi mentor bận, đồng nghiệp bận, dự án lại cần làm một ngôn ngữ mới, bạn không thể tự học mentor, đồng nghiệp đâu thể chỉ bạn một cách chi li được.

Kỹ năng giải quyết vấn đề cũng vậy, tự phân tích giải quyết vấn đề rất quan trọng bởi không phải ai lúc nào cũng sẵn sàng đứng ra để giải quyết giúp bạn vấn đề mình mắc phải.

Các công cụ tìm kiếm hiện nay (google, stackoverflow, chatgpt, ...) cũng rất chính xác khi bạn có thể tìm chính xác những thứ mình muốn, kể cả vấn đề gặp phải có khả năng đều đã được giải quyết bởi người khác. Kỹ năng tìm kiếm google để giải quyết vấn đề cũng là một điểm cộng cho việc trở thành một lập trình viên !

Dân ta phải biết sử ta, cái gì không biết thì tra Google

2. Có nền tảng toán học

image.png Chắc chắn rồi, nếu có khả năng về toán học, công việc lập trình của chúng ta sẽ trở nên dễ dàng hơn. Không nhất thiết chúng ta phải cần xuất sắc về toán trừ những công việc có nghiệp vụ chuyên môn đặc biệt như AI (Trí tuệ nhân tạo). Đối với các lĩnh vực như lập trình web, mobile, việc các bài toán phức tạp xuất hiện ít hơn tuy nhiên chúng ta cũng nên cần có một nền tảng toán tương đối để giải quyết vấn đề thông minh hơn.

Minh họa rất cơ bản một trường hợp như tính tổng số chẵn từ 100 -> 1002, với một người không biết gì về toán, có thể sẽ chạy vòng for tới 903 lần bằng cách cộng dồn tổng chia hết cho 2. Nhưng khi có công thức toán học chúng ta chỉ cần áp dụng công thức và tính ra: Từ 100 tới 1002(1002-100)/2 + 1 = 452 số. Và tổng sẽ bằng: 452*(100+1002)/2 = 249052.

Đấy chỉ là một bài toán rất rất cơ bản để minh họa, chúng ta chả cần phải có 1 vòng lặp nào cả. Kết quả như nhau nhưng cách làm khác nhau sẽ tạo nên khác biệt. Toán học rất quan trọng.

3. Tò mò, nhạy bén và thích phiêu lưu khám phá cái mới

image.png Tò mò khám phá cũng là một phần tất yếu của lập trình viên, khi kết hợp với tự học tự tìm hiểu, tò mò khám phá cộng hưởng tạo nên một con người có khả năng nhạy bén trong công nghệ, áp dụng những phương pháp, công nghệ mới tối ưu hơn để xây dựng sản phẩm. Phiêu lưu giúp lập trình viên không ngại thử thách khó khăn, chấp nhận rủi ro để thay đổi và nhạy bén cập nhật theo xu hướng mới nhất trong thế giới công nghệ.

Điều này giúp chúng ta đứng vững và không bị nhàm chán với ngành lập trình viên - ngành nghề được coi là khô khan nhất này hơn.

4. Chịu đựng được stress, kiên nhẫn, không bỏ cuộc

image.png Bạn khám phá rồi, dám thay đổi rồi nhưng chẳng may nó không hiệu quả, dự án thì đã được định sẵn khi nào cần chức năng này, khi nào cần bàn giao. Rồi bạn chịu không được căng thằng, áp lực đè nặng, bạn chán nản, bạn bỏ ngang việc. Và thế là ĐÓI.

Trong ngành này, không phải lúc nào chúng ta cũng chịu áp lực căng thẳng, nhưng chắn chắn điều đó sẽ xảy ra và tần suất có thể cao hơn so với các ngành nghề khác. Bạn hãy thử đi hỏi 10 người làm ngành lập trình viên thì chắc chắn tầm 9 người sẽ nói răng sẽ có OT và stress. Vì vậy chịu được stress và kiên nhẫn tìm cách vượt qua hay không bỏ cuộc để giải quyết một vấn đề là một yếu tố cũng không thể thiếu đối với một lập trình viên.

5. Khả năng quản lý công việc, thời gian hiệu quả

What-is-Work-Management-System.jpg

Quản lý công việc, thời gian là một kỹ năng cần rèn luyện lâu dài trong quá trình học tập hay làm việc để phù hợp với chính bản thân mình. Việc quản lý công việc, thời gian nghe có vẻ rất đơn giản chỉ là việc estimating (ước lượng) và prioritizing (ưu tiên) các công việc từ quan trọng tới quan trọng ít hơn một cách hiệu quả.

Việc đơn giản như trong học tập ở trường học chúng ta cũng sẽ cần kỹ năng này cho việc phân bổ việc gì quan trọng và cần ưu tiên để làm trước, làm trong bao lâu thì xong để chuyển qua học cái khác. Trong công việc cũng y hệt như vậy nhưng quan trọng hơn hết khi làm việc chúng ta cần giữ uy tín với khách hàng nên việc on-time (đúng hẹn) là việc quan trọng nhất. Và chúng ta cần kiếm tiền, mất uy tín -> mất khách hàng là mất việc và ĐÓI !

Ngoài ra quản lý công việc, thời gian cũng cần phải phân chia tới cả thời gian nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe sau những lúc căng thẳng. Để chịu được stress, chúng ta cần có năng lượng bằng cách nghỉ ngơi trong khoảng thời gian đã phân bổ sau đó quay lại làm việc để tiếp tục làm việc với phong độ ổn định nhất.

6. Khả năng giao tiếp, làm việc nhóm

Giao tiếp, nói thôi chứ gì, cái này dễ thế ai chả làm được !

Bạn nói đúng rồi đấy nhưng đúng phần đầu thôi. Nói thì dễ nhưng nói đúng lúc, đúng chỗ và đúng vấn đề thì cũng khó đấy. Làm sao để giao tiếp với mọi người và truyền tải đúng nội dung trọng tâm về vấn đề, khó khăn cần truyền đạt tới người nghe và thuyết phục hay nhờ sự giúp đỡ từ họ lại là một kỹ năng cần quá trình để rèn luyện.

Ngoài ra biết cách làm việc nhóm là một thứ rất rất quan trọng. Cái này chắc không chỉ là yếu tố của ngành lập trình viên, trong các ngành khác mình nghĩ cũng quan trọng không kém. image.png

Không công ty nào giao cho bạn một dự án một mình bạn làm và xây dựng nên cả, và cũng không có lập trình viên nào có thể tự tin nói rằng tôi có thể làm một mình mà không cần tới ai. Làm việc nhóm giúp công việc trở nên nhanh hơn, hiệu quả hơn, ngoài ra giúp liên kết các mối quan hệ, làm công việc ở công ty đỡ nhàm chán hơn. Nếu bạn không có kỹ năng làm việc nhóm, cái tôi bản thân cao quá không lắng nghe ý kiến của mọi người hay ôm hết việc về phần mình, không ôm việc nào để cho team gánh. Thì đó lại là thảm họa.

Chúng ta cần biết điểm mạnh điểm yếu, tiếp thu ý kiến người khác kể cả trái chiều và tiêu cực với chúng ta và góp ý, giúp đỡ thành viên trong nhóm khi gặp khó khăn kể cả không phải việc của mình đang làm để công việc của tập thể trở nên hiệu quả hơn. Cũng cần có kỹ năng thuyết phục, đàm phán đưa ra quan điểm đúng đắn của mình. Làm việc nhóm cũng giúp chúng ta kỷ luật hơn trong công việc khi chịu trách nhiệm với team về công việc đã được giao.

"Nhiều cái đầu lúc nào cũng hơn một cái đầu."

7. Say mê công nghệ

image.png

Chắc hẳn rồi, nếu không say mê hay yêu thích với công nghệ. Bạn sẽ sớm bỏ cuộc trong cuộc đua của lập trình viên mà thôi. Khi yêu thích nó, chúng ta mới có cơ hội để cho bản thân mày mò tìm tòi ra cái mới hay đơn giản là phát triển ra những sản phẩm hay ho cho bản thân. Làm việc với màn hình và những dòng code khô khan, lập trình viên mà không thích công nghệ sớm muộn chúng ta cũng sẽ thấy chán nản với công việc này nếu không đặt niềm say mê vào nó.

...

Kết bài

Nếu mọi người thấy bản thân có các yếu tố trên. Thì lập trình viên là một nghề phù hợp với mọi người rồi đấy. Nhưng nếu không có đủ các yếu tố trên, chúng ta có thể cố gắng rèn luyện. Biết đâu đang tiềm ẩn trong bản thân mà chúng ta chưa biết. Hãy cân nhắc và cứ thử dấn thân một lần đi để xem bản thân mình có phù hợp không nhé. Bài viết mang tính chất tham khảo theo kinh nghiệm và quan điểm cá nhân của mình. Nếu thấy hay thì upvote cho mình để có động lực viết thêm những bài viết khác nhé ! Cảm ơn mọi người đã đọc tới cuối bài 😄

Vui lòng không copy dưới mọi hình thức.


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí