0

Blockchain có thể giúp xóa sổ nạn bằng giả ở Trung Quốc?

David Moskowitz, CEO của Attores, đã lập ra một công ty để giúp các tổ chức giáo dục có đủ khả năng để phát hành lẫn thẩm tra bằng cấp của họ bằng cách dùng blockchain Ethereum.

Năm 2010, bằng tiến sĩ (PhD) của cựu chủ tịch Microsoft Trung Quốc Tang Jun nhận từ đại học Pacific Western đã làm dấy lên những nghi ngờ. Các nhà điều tra phát hiện ra rằng không những ngôi trường này chưa được kiểm định mà giá của tấm bằng còn quá rẻ: chỉ có 2.595 USD và học viên chẳng cần học hành gì. Một năm sau, hàng chục quản lý cao cấp khác cũng bị dính vào những vụ bằng cấp giả với quy mô lớn khác từ những chương trình đáng ngờ, chỉ đòi hỏi người đăng ký học… “cho có lệ”.

Vấn nạn giả mạo học thuật này từ lâu đã phổ biến trong giới sinh viên thiếu đạo đức ở Trung Quốc nhưng lại tương đối mới mẻ với nhóm lãnh đạo cao cấp trong giới kinh doanh.

Theo peergopeer, dù không phải là hiện tượng “có một không hai” ở Trung Quốc nhưng một tìm kiếm nhanh trên trang Baidu của nước này cho thấy việc mua bằng giả từ các website như Yuhongzp và PhonyDiploma ở đại lục là dễ như thế nào. Chẳng hạn, một tấm bằng giả từ đại học Hong Kong chỉ có 250 USD, và cho phép người dùng tùy chỉnh mọi thứ, từ watermark đến chất lượng giấy làm bằng.

Allen Ezell, đồng tác giả của cuốn Degree Mills: The Billion- Dollar Industry That Has Sold Over a Million Fake Diplomas (Tạm dịch: Những nhà máy sản xuất bằng cấp: ngành công nghiệp tỉ đô đã bán ra hơn 1 triệu bằng giả), cho rằng phạm vi của ngành này có thể là khổng lồ. “Một trong những cơ sở làm bằng giả lớn nhất mà chúng tôi thấy là ở Shenzhen (Thâm Quyến). Họ đã cung cấp bằng cấp của hơn 1.000 trường của Mỹ”, ông nói với Forbes.

Những nỗ lực nhằm “chiến đấu” với ngành kinh tế ngầm này đã được bộ giáo dục Trung Quốc và website giáo dục sdaxue.com phát động. Kể từ năm 2013, Sdaxue đã “điểm mặt” 400 trường đại học giả, hay còn gọi là “các nhà máy cấp bằng” ở Trung Quốc. Năm ngoái Sdaxue đã lần thứ 6 đưa ra danh sách đen bao gồm thêm 30 tổ chức mới bị phát hiện.

Trong số danh sách đáng xấu hổ đó hiện có cả những cái tên dường như “vô thưởng vô phạt” như “Đại học Xinghua Bắc Kinh” và “Viện tài chính Bắc Kinh”. Mặc dù các trường này trải dài từ Thượng Hải tới Shandong (Sơn Đông), nhưng đa số là có trụ sở ở Bắc Kinh. Thường thì tất cả các địa chỉ đều được đăng ký bằng một địa chỉ ở Hong Kong.

MIT Media Lab đã phát hành thành công những tấm bằng điện tử. Tuy nhiên, hiện tại hệ thống quản lý những tấm bằng này “vẫn còn chậm, phức tạp và không đáng tin cậy”. Người muốn có bảng điểm chính thức phải trả khoảng 40 USD cho chi phí phát hành và lưu trữ, và những người chủ lao động phải tốn nhiều công sức để thẩm tra một bằng cấp nào đó. Việc “trấn áp” bằng giả sẽ dễ dàng hơn nếu có một cách xác nhận tính chân thực của chúng ngay lập tức mà không cần phải nhờ đến sự điều tra của con người.

**Thời đại kĩ thuật số của các bằng cấp **

Cách đây 2 năm, David Moskowitz, CEO của Attores, một công ty chuyên về blockchain và hợp đồng thông minh, đã bắt đầu giải quyết vấn đề này bằng cách ứng dụng công nghệ blockchain trong giáo dục. Moskowitz quan sát thấy rằng các nhà máy sản xuất bằng cấp ở Trung Quốc và Ấn Độ cho ra đời những tấm bằng giả được dán mác của các trường đại học ở Singapore. Do vậy, ông đã lập ra một công ty để giúp các tổ chức giáo dục có đủ khả năng để phát hành lẫn thẩm tra bằng cấp của họ bằng cách dùng công nghệ blockchain Ethereum.

Blockchain, vốn hoạt động như một cuốn số cái kĩ thuật số ghi lại tất cả các giao dịch trên một mạng ngang hàng (peer-to-peer), là một bản theo dõi không thể hỏng và (không thể) thay đổi được. Dù bản thân blockchain là có sẵn cho mọi người nhưng những hồ sơ ghi lại (hay còn gọi là “các khối”) của nó được bảo đảm an toàn thông qua tiền kĩ thuật số. Vì mỗi tấm bằng được ghi lại như là một giao dịch trên mạng lưới blockchain trở thành một phần của blockchain, nên việc giả mạo là điều không thể.

Khi một tấm bằng được phát hành, nó được gán một giá trị “hash” (#), hay một chữ ký kĩ thuật số độc nhất và một chuỗi ký tự ngắn được tính toán bằng cách dùng những thuật toán có sẵn.

Do đó, nếu một tài liệu kĩ thuật số bị thay đổi thì “hash” của nó sẽ khác hoàn toàn. Nhấp chuột vào một tình trạng hợp đồng blockchain cho phép bạn không những thấy được “hash” đó, mà còn thấy được những bên đã tham gia ký tên, địa chỉ IP, địa chỉ hợp đồng, và dấu thời gian (timestamp).

Attores đã làm việc với Ngee Ann Polytechnic, một trường đại học của Singapore. Ngoài Attores còn có BitProof và Binded, công ty gần đây đã huy động được 950.000 USD từ nhà đầu tư.

Cảnh báo về các nhà máy sản xuất bằng giả

Dù blockchain và hợp đồng thông minh mang lại những lợi ích khổng lồ, nhưng sẽ có thể mất một thời gian trước khi các trường và viện của Trung Quốc có thể áp dụng hiệu quả những hệ thống này trên diện rộng. Trong khi đó, các nhà máy sản xuất bằng đã chuyển sang các chiến thuật mới để khai thác các lỗ hổng trong quản lý. Các trường học từ xa quảng cáo như trường thật và lấy nội dung từ website của các trường khác đưa lên website của họ. Theo Ezell, sinh viên có thể tin rằng họ đang trả học phí cho việc học từ xa, chỉ sau đó mới phát hiện rằng họ đang bị tống tiền hoặc đe dọa. Để biết được trường đó được cấp phép hay chưa cũng vẫn là một vấn đề.

Tuy vậy, những lời cảnh báo không phải lúc nào cũng dễ phát hiện, đặc biệt là khi các nhà máy sản xuất bằng biết cách lách luật. Cho tới lúc đó, cuộc chiến chống giả mạo học thuật vẫn là một cuộc chiến đầy khó khăn đối với Trung Quốc.

Theo cafef Biên tập bởi Peergopeer.com


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí