+69

Bệnh "ảo tưởng sức mạnh" của các bạn trẻ

I. Lời nói đầu

Mình có được đọc một bài báo về vấn đề ảo tưởng sức mạnh của các bạn trẻ, đặc biệt là những bạn sắp và mới ra trường. Điều này cũng chính là một điều mình đã gặp phải khi nói chuyện với rất nhiều bạn trẻ mới ra trường, hay tham gia vào những buổi phỏng vấn nhân sự. Thực sự khá giật mình với những suy nghĩ và những đòi hỏi yêu cầu của các bạn khi đi xin việc, trong bài viết này mình cùng các bạn sẽ phân tích 1 chút về vấn đề này nhé

II. Thực trạng

Có rất nhiều bạn sinh viên mới ra trường, hoặc mới năm 3 - 4 tìm kiếm cho mình những công việc part-time thường có đòi hỏi "rất" cao về thu nhập, vị trí, cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc. Mình được nghe nhiều điều đại để như sau

  • Em muốn mức lương khởi điểm trên 10m
  • Làm việc không quá căng thẳng
  • Làm việc tại một môi trường có nhiều sự giúp đỡ hỗ trợ, không quá áp lực
  • Có cơ hội đi làm việc tại nước ngoài
  • Được làm ngay tại dự án thật, và vị trí tương ứng.

Vậy mình sẽ thử hỏi ngược lại các bạn vài câu rằng các bạn có đủ tự tin trả lời hay không

  1. Các bạn muốn lương 10 triệu, vậy các bạn có biết để đạt được mức lương đó thì bạn cần đáp ứng những nhu cầu gì từ nhà tuyển dụng không?
  2. Làm việc không căng thẳng, không áp lực, nhàn thì lương bạn sẽ không cao, bạn có chấp nhận được không?
  3. Các bạn muốn được làm việc ở nước ngoài, đi Tây đi Tàu hay dạo gần đây là đi Nhật. Vậy khả năng ngoại ngữ bạn như thế nào? Có thực sự giỏi để bạn có thể làm việc tự tin ở nước ngoài không? Và bạn có biết làm việc ở nước ngoài nó sẽ như thế nào không?

Trích một comment của 1 bạn ở dưới

LƯƠNG CAO mà công việc không CĂNG THẲNG, ÁP LỰC cũng giống như đi mua đồ phải NGON, BỔ và RẺ

các bạn thấy điều này có thể xảy ra không 😄

III. Nguyên nhân

Chắc hẳn điều đầu tiên là đến từ suy nghĩ của bản thân, và sự áp đặt những suy nghĩ đã cũ hay sai lệch từ các bậc phụ huynh.

Mình học đại học thì chắc chắn phải có một công việc ổn định

Điều này chỉ giúp bạn có tỉ lệ có một công việc ổn định cao hơn chứ không giúp bạn chắc chắn có một công việc ổn định, mà nó còn phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn học được gì ở đại học. Không phải vào đại học ngồi không là có việc.

Các cụ nói rằng "Con cố gắng vào đại học, mục tiêu là vào đại học, chỉ cần vào đại học là được"

Câu chuyện này có thể đúng nhưng nó cũng cách xa tầm 10 - 15 năm khi mà việc vào đại học rất khó, và những người vào đại học không nhiều, thì điều bạn hơn người khác chính là tấm bằng đại học. Nhưng bây giờ thì sao? Việc phổ cập đại học đã khiếp bằng cử nhân là không còn là "của hiếm". Để kiếm tấm bằng đại học đâu còn khó? Chỉ cần bạn trên điểm sàn thì hàng ngàn lời mời mọc từ các trường đại học từ công lập đến dân lập mời bạn đến tham gia do đó tấm bằng đại học không còn tạo ra lợi thế cạnh tranh khi xin việc.

Chưa hiểu được sự quý giá của đồng tiền

Có nhiều bạn từ nhỏ có sự hỗ trợ rất tốt của gia đình, thực sự không có sự thiếu thốn gì nhiều, cần là có sự hỗ trợ của bố mẹ, của gia đình. Chưa hề biết được rằng để kiếm được tiền nó k hề đơn giản như việc tiêu tiền. Chắc hẳn khi còn bé nhiều người nghe bố mẹ hay nó một câu đại để như thế này:

  • "Kiếm được tiền không dễ dàng đâu, nên hãy tiết kiệm",
  • "Chưa phải tiền con kiếm ra con sẽ không bao giờ xót",
  • "Bố mẹ vất vả mới kiếm được một ít tiền thôi" v..v..

Ngày xưa mình cũng từng như vậy, cứ thoải mái tiêu thôi, đâu hiểu đến lúc kiếm nó khổ như thế nào. Thực tập làm 8 tiếng đc hỗ trợ 1 - 2 triệu mà cảm giác không dám tiêu, vì xót công mình bỏ ra. Nên nhiều bạn nghĩ là cứ ra trường là đơn giản tiền sẽ kiếm như là lúc tiêu mà thôi 😄

Sự thổi phồng của các nhà tuyển dụng cũng tạo ra một sự ảo tưởng, nhầm lẫn của các bạn sinh viên

  • Bạn đang học năm 3 - 4 và hàng ngàn công ty đến tổ chức job fair tại trường, với những banner rất lớn đại loại như
    • "Tuyển thực tập mức lương lên đến 10 triệu"
    • "Ra trường ngay nhận 15 triệu"
  • Và trong chúng ta sẽ có một suy nghĩ đơn giản là "Ồ mình ngon mà, chưa ra trường mà lương đã đến chục triệu rồi đây này" Từ đó trong chúng ta luôn có một suy nghĩ là ồ vậy thì mình ra trường kiểu gì chả được như vậy, và khi phỏng vấn thì các bạn cũng luôn đặt cho mình 1 mức lương hay môi trường như nào đó mới làm. Nhưng cuối cùng thì chẳng có công việc nào ưng với các bạn và cuối cùng thì mình đã gặp rất nhiều ...... cử nhân Grab
  • Hay có những bạn cảm thấy việc đi làm công ăn lương không đạt được mong muốn của mình nên quyết định start-up. Hiện tại Việt Nam đang kêu gọi start up mà. Mình thực ra không phản đối chuyện đó, và thực ra có rất nhiều bạn thành công mà tuổi đời rất trẻ, nhưng để đạt được thành công đó, chắc hẳn các bạn ý cũng phải nỗ lực là khổ sở vô cùng để có thể đạt được những thành công như bây giờ. Chứ không phải là cứ start up là sẽ thành công. Ngoài ra, việc start up "vượt khó" đâu chưa đủ mà còn cần cả kiến thức. Các bạn mới ra trường đã tích lũy đủ kiến thức chưa? Kiến thức đâu chỉ về chuyên ngành, mà còn rất nhiều thứ khác nữa, kĩ năng mềm, quan hệ xã hội, khả năng tài chính v..v. Hay các bạn mường tượng những khó khăn mà mình gặp phải và đã sẵn sàng cho việc đương đầu với nó hay chưa.
  • Tuy nhiên, nhiều bạn sẽ phải đối ý kiến này của mình và trả lời như sau: "Vẫn có rất nhiều bạn apply được với mức lương như vậy, mức đãi ngộ như vậy mà, các công ty tuyển dụng có thổi phồng đâu?". Cái này đúng nếu bạn đủ giỏi. Các bạn đang ảo tưởng là các bạn giỏi như những gì nhà tuyển dụng đem đến, chứ không phải các nhà tuyển dụng không thể k làm được điều họ nói. Nhưng thực sự là để làm được điều đó thì rất ít. Có rất nhiều bạn trẻ nỗ lực mới năm 3 thôi mà tiếng Nhật đạt N3 N2, lập trình ở mức khá, và các bạn đã có những offer đi Nhật làm việc ngay lập tức. Vấn đề ở chỗ là bạn có đủ giỏi hay không. Còn nếu bạn không đủ giỏi, vậy thì cần phải làm gì? Trong bài viết tới mình sẽ nói về những điều cần biết khi đi xin việc làm, hay những điều lưu ý khi đọc các về các job để các bạn có thể hiểu rõ hơn về nó.

Chúng ta thường có một tư tưởng đó là đòi hỏi, mình cần nhận được cái này, nhiều hơn là cho đi.

Chắc hẳn ai cũng nghe được câu, "Học cách cho đi, chúng ta sẽ nhận lại được nhiều hơn thế", nhưng đã ai thực sự thử làm như nó chưa? Các bạn là ai? mới chỉ là những bạn sinh viên vừa ra trường, như một tờ giấy trắng, chưa có gì cả nhưng lại luôn muốn nhận thật nhiều? Như vậy có ai sẽ cho các bạn đây? Nhà tuyển dụng nào đủ tin tưởng để tin bạn bây giờ. Các bạn thử đặt mình vào vị trí của một nhà tuyển dụng. Tuyển một bạn mới ra trường. Kinh nghiệm làm việc chưa có, chỉ dừng lại ở mấy project ở trên lớp, bạn có dám đưa cả một dự án cả trăm triệu hay cả tỉ đồng không?

IV. Vậy chúng ta cần làm gì?

Hãy biết mình đang ở đâu? Vững đôi chân ở mặt đất.

  1. Giờ hãy nghĩ thử xem bạn đang ở đâu?
  2. Bạn có gì trong tay rồi?
  3. Bạn có những gì hơn những người khác?
  4. Chúng ta đi học cùng họ, vậy có gì hơn?
    • Bạn học giỏi hơn, code tốt hơn?
    • Hay bạn là người năng nổ về các hoạt động trong trường hơn?
    • Bạn làm việc với con người tốt hơn?
    • Hay bạn học ngôn ngữ hơn là code.

Hãy tự ngẫm lại thật cẩn thận là bản thân mình đang ở đâu. Tự đánh giá lại bản thân (không cần quan tâm đúng hay sai), cứ tự bạn soi lại mình đang ở đâu mà thôi

Điểm mạnh, điểm yếu của mình là gì?

Sau khi soi vào gương và cảm nhận được bản thân, bạn thử nhìn tiếp xem mình mạnh ở đâu và mình yếu ở đâu?

  • Code kém, code mãi k nhanh bằng thằng học cùng.
  • Cảm giác mình luôn ngại ngùng khi làm việc nhóm
  • Mình là người hòa nhập tốt, vui vẻ, nhanh nhẹn
  • v..v..

Nào hãy thử tìm hiểu 1 chút về điều mình muốn làm? Và xem những thứ mình vừa đánh giá về bản thân có đúng không?

Chắc hẳn các bạn ra trường cũng có một cái mường tượng nhất định về việc mình sẽ làm. Còn những bạn nào chưa hiểu thì có thể đọc các bài trước của mình để tìm ra thứ mình cần nhất. Hãy thử xin vào một công việc mà đơn giản chỉ là bạn đọc thấy phù hợp với bạn nhất và hãy quên mọi thứ về lương lậu đi và nhớ rằng hãy làm việc hết mình. Để làm gì?

  • Để xem rằng nó có phù hợp với bạn không?
  • Để bạn tự tích lũy kinh nghiệm của bản thân.
  • Để bạn hiểu hơn về sự khác nhau giữa việc đi học và đi làm

Mình tin rằng khi bạn nỗ lực hết sức thì chắc chắn bạn sẽ nhận được rất nhiều điều. Nếu bạn lo lắng rằng, bạn sẽ chẳng nhận được gì từ công ty (lương, sự thăng tiến v..v.). Cứ cho là vậy đi, nhưng ít nhất họ đã cho bạn một thứ trước khi họ nhận lại từ bạn mà bạn đã quên mất. Đó là CƠ HỘI LÀM VIỆC, kinh nghiệm làm việc thật sự chứ k phải chỉ là những điều trong suy nghĩ và trong sách vở. Điều này đặc biệt quan trọng với những bạn mới ra trường. Nó sẽ giúp bạn hiểu rõ bản thân mình lẫn những điều mình sẽ làm trong tương lai, và về sự nghiệp của mình. Và thực sự nếu đó là nơi không thực sự trân trọng bạn thì bạn có thể tìm một nơi khác cần mình với những kinh nghiệm mà mình đã tích lũy.

V. Tổng kết

Thực ra bài viết này mình không phê phán ai cả, chỉ là giúp các bạn nhận thức hơn về bản thân, và cũng là quan điểm cá nhân của mình, có thể có nhiều điều không chính xác, mong các bạn góp ý thêm.


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí