Bật mí ứng dụng công nghệ blockchain trong tài chính
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 6 năm
Ngay cả khi internet đã được triển khai tới vài năm, nhiều người vẫn tin rằng nó chỉ như một loại mốt thời trang và sẽ chóng bị quên lãng. Tất nhiên là internet đã trở thành một trong những thứ có ảnh hưởng lớn nhất đối với cuộc sống của chúng ta, từ cách chúng ta mua hàng hoá và dịch vụ đến cách chúng ta giao lưu với bạn bè, rồi cả mùa xuân Ả Rập và cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016. Tuy nhiên, trong những năm 1990, báo chí chính thống đã chế giễu Nicholas Negroponte khi ông tiên đoán rằng hầu hết chúng ta sẽ sớm đọc tin tức trực tuyến thay vì đọc từ một tờ báo giấy.
Hai thập kỷ sau, liệu chúng ta sẽ sớm nhìn thấy một tác động tương tự từ tiền mã hóa và blockchain? Thực sự có nhiều điểm tương đồng. Giống như internet, các loại tiền mã hóa như Bitcoin được thúc đẩy bởi những tiến bộ trong các công nghệ cốt lõi kết hợp với một kiến trúc mở mới – blockchain Bitcoin. Giống như internet, công nghệ này được thiết kế để phân tán, với các “lớp”, ở đó mỗi lớp được định nghĩa bằng một giao thức mở tương thích được với nhau, mà trên đó các công ty cũng như các cá nhân có thể xây dựng các sản phẩm và dịch vụ. Giống như trong giai đoạn phát triển ban đầu của internet, có rất nhiều công nghệ cạnh tranh với nhau, vì vậy điều quan trọng là phải xác định được blockchain nào đang được nói đến. Và, giống như internet, ứng dụng công nghệ blockchain là mạnh nhất khi mọi người cùng sử dụng chung một mạng lưới, và vì vậy, trong tương lai có thể tất cả chúng ta đều chỉ nói về một blockchain duy nhất mà thôi.
Internet và các lớp của nó đã phải mất hàng thập kỷ để phát triển, với mỗi lớp kỹ thuật mới lại mở ra một sự bùng nổ của các hoạt động sáng tạo và kinh doanh. Trước đó, Ethernet chuẩn hóa cách thức mà các máy tính truyền các bit dữ liệu qua dây dẫn, và các công ty như 3Com đã có thể xây dựng các đế chế dựa trên các sản phẩm chuyển mạch mạng của họ. Giao thức TCP/IP được sử dụng để định vị và kiểm soát cách các gói dữ liệu được định tuyến giữa các máy tính. Cisco đã xây dựng các sản phẩm như bộ định tuyến mạng để tận dụng giao thức đó, và vào tháng 3 năm 2000 Cisco là công ty có giá trị nhất trên thế giới. Vào năm 1989, Tim Berners-Lee đã phát triển HTTP, một giao thức mở, không cần cấp phép, và World Wide Web thì đã cho phép các doanh nghiệp như eBay, Google và Amazon hình thành.
Các ứng dụng blockchain****
Nhưng có một điểm khác biệt chính: Internet buổi đầu không bị thương mại hóa, lúc đầu được phát triển thông qua tài trợ quốc phòng và được sử dụng chủ yếu để kết nối các viện nghiên cứu và các trường đại học. Nó không được thiết kế để kiếm tiền, mà là để phát triển một cách thức mạnh mẽ và hiệu quả nhất để xây dựng một mạng lưới. Sự thiếu vắng ban đầu của các doanh nghiệp và lợi ích thương mại là rất quan trọng – nó cho phép tạo ra một kiến trúc mạng chia sẻ các nguồn lực theo cách mà sẽ không xảy ra trong một hệ thống được định hướng phục vụ thị trường.
“Ứng dụng sát thủ” của Internet buổi ban đầu là email; nó là thứ đã thúc đẩy việc áp dụng và mở rộng mạng lưới. Bitcoin là “ứng dụng sát thủ” của blockchain. Bitcoin thúc đẩy việc áp dụng công nghệ cơ bản của nó là blockchain. Cộng đồng kỹ thuật vững mạnh và quá trình rà soát mã mạnh mẽ làm cho nó trở thành công nghệ blockchain an toàn và tin cậy nhất trong các blockchain. Giống như email, rất có thể Bitcoin sẽ trụ lại. Tuy nhiên, blockchain cũng sẽ hỗ trợ nhiều ứng dụng khác, bao gồm hợp đồng thông minh, đăng ký tài sản, và nhiều loại giao dịch mới vượt xa các ứng dụng tài chính và pháp lý.
Chúng ta tốt nhất nên hiểu Bitcoin như một mô hình vi mô về cách thức mà một hệ thống tài chính mới, phân tán và tự động, có thể hoạt động. Mặc dù các khả năng hiện tại của nó vẫn còn hạn chế (ví dụ như khối lượng giao dịch thấp so với các hệ thống thanh toán thông thường), nó mang lại một viễn cảnh hấp dẫn về tương lai, bởi vì các mã lập trình của nó mô tả cả một hệ thống quản lý lẫn một hệ thống kinh tế. Ví dụ, giao dịch phải đáp ứng các quy tắc nhất định trước khi chúng có thể được chấp nhận đưa vào blockchain Bitcoin. Thay vì viết các quy tắc và chỉ định một cơ quan giám sát theo dõi các vi phạm, như cách mà hệ thống tài chính hiện nay đang hoạt động, các mã lập trình của Bitcoin đặt ra các quy tắc và mạng lưới sẽ kiểm tra sự tuân thủ các quy tắc đó. Nếu giao dịch vi phạm các quy tắc (ví dụ: nếu chữ ký số không khớp), nó sẽ bị mạng lưới từ chối. Thậm chí “chính sách tiền tệ” của Bitcoin được viết trong mã của nó: tiền mới được phát hành 10 phút một lần, và nguồn cung là hạn chế nên sẽ chỉ có 21 triệu Bitcoin tất cả, một nguyên tắc tiền tệ tương tự như tiêu chuẩn vàng (tức là một hệ thống mà cung tiền được cố định cho một loại hàng hóa và không được quyết định bởi chính phủ).
Những lựa chọn mà Bitcoin hiện đang cung cấp không phải là hoàn hảo. Trên thực tế, nhiều nhà kinh tế không đồng ý với quy tắc tiền tệ cứng nhắc của Bitcoin, và các luật sư thì lập luận rằng việc điều tiết chỉ bằng các đoạn mã lập trình là thiếu linh hoạt và không cho phép tồn tại vai trò của sự cẩn trọng cần thiết. Tuy nhiên, điều không thể phủ nhận là Bitcoin là thật, và nó thực sự hoạt động. Con người trao giá trị kinh tế thực sự cho Bitcoin. Các “thợ đào”, những người duy trì blockchain Bitcoin, và các “nhà cung cấp ví”, những người viết ra các phần mềm để người sử dụng có thể giao dịch Bitcoin, cũng phải tuân theo các quy tắc, không có ngoại lệ. Blockchain của nó vẫn đứng vững trước các đợt tấn công, và nó hỗ trợ một hệ thống thanh toán tuy cơ bản, nhưng mạnh mẽ. Cơ hội mở rộng việc sử dụng các blockchain để tái thiết lập lại hệ thống tài chính thực sự là vừa gây hoang mang, vừa khiến người ta bị mê hoặc.
Blockchain – Quá nhiều và quá sớm?
Không may là sự hăng hái của các nhà đầu tư công nghệ tài chính lại không đi kèm sự phát triển của công nghệ. Chúng ta thường nhìn thấy những cái gọi là blockchain thực ra lại không sáng tạo chút nào, mà chỉ đơn thuần là các cơ sở dữ liệu, vốn đã tồn tại từ hàng chục năm nay, và tự gọi mình là những blockchain chỉ để nhảy vào cuộc chơi thuật ngữ thời thượng.
Có rất nhiều công ty thời “tiền internet”, ví dụ các nhà khai thác viễn thông và các công ty truyền hình đã cố gắng cung cấp truyền thông đa phương tiện tương tác qua mạng lưới sẵn có của họ, nhưng không công ty nào đủ tốt để trở thành những cái tên đáng nhớ. Chúng ta có thể thấy một xu hướng tương tự đối với công nghệ blockchain. Bối cảnh hiện nay là sự kết hợp của các tổ chức tài chính hiện hành cố gắng cải tiến từng bước và các công ty khởi nghiệp mới xây dựng trên các cơ sở hạ tầng thay đổi nhanh chóng, với hy vọng rằng vũng cát lún sẽ đủ cứng trước khi họ hết đường để chạy.
Trong trường hợp của tiền mã hóa, chúng ta đang thấy sự đầu tư có phần hung hăng của các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhiều hơn những gì chúng ta đã thấy đối với Internet trong giai đoạn phát triển tương tự. Sự quan tâm quá mức của các nhà đầu tư và doanh nghiệp khiến cho các loại tiền mã hóa khác về cơ bản so với Internet, bởi vì chúng không có vài thập niên gần như không được biết tới như internet, khi mà các nhà nghiên cứu phi thương mại có thể thử nghiệm lặp đi lặp lại và suy nghĩ lại kiến trúc. Đây là một trong những lý do tại sao công việc mà chúng tôi đang thực hiện tại Digital Currency Initiative tại MIT Media Lab là rất quan trọng: nó là một trong số ít những nỗ lực làm việc đáng kể về công nghệ và cơ sở hạ tầng đang được thực hiện mà hoàn toàn tách biệt với các lợi ích và động lực tài chính. Điều này rất quan trọng.
Hệ thống tài chính hiện tại ở thời điểm này là rất phức tạp, và sự phức tạp đó tạo ra rủi ro. Một hệ thống tài chính phi tập trung mới được tạo ra bởi các loại tiền mã hóa có thể đơn giản hơn nhiều bằng cách loại bỏ các lớp trung gian. Nó có thể giúp bảo vệ trước các rủi ro, và bằng cách lưu chuyển tiền bạc theo những cách mới có thể mở ra tiềm năng cho các loại sản phẩm tài chính mới. Tiền mã hóa có thể mở cửa hệ thống tài chính đối với những người hiện đang bị buộc phải đứng ngoài, làm giảm các rào cản khi gia nhập, và cho phép cạnh tranh tốt hơn. Các nhà quản lý có thể tái thiết kế lại hệ thống tài chính bằng cách suy nghĩ lại cách nào là tốt nhất để đạt được các mục tiêu chính sách mà không phải làm yếu đi các tiêu chuẩn. Chúng ta cũng có thể có cơ hội để giảm thiểu rủi ro hệ thống: giống như người sử dụng, các nhà quản lý cũng vấp phải vấn đề về sự thiếu minh bạch. Nghiên cứu cho thấy việc làm cho hệ thống minh bạch hơn sẽ cắt ngắn chuỗi các trung gian và giảm chi phí cho người sử dụng hệ thống tài chính.
Kết luận:
Mục đích sử dụng chính và ngay cả các giá trị của những người sử dụng công nghệ và cơ sở hạ tầng mới có xu hướng thay đổi mạnh mẽ khi các công nghệ này trưởng thành. Điều này chắc chắn cũng sẽ đúng với công nghệ blockchain.
Bitcoin lúc đầu được tạo ra như là sự phản ứng đối với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cộng đồng nguyên thủy của nó có chủ yếu bao gồm những người theo chủ nghĩa tự do và những người chống chính phủ, có nhiều điểm tương tự như văn hoá phần mềm tự do, nơi sự chống đối với việc thương mại hóa các sản phẩm luôn diễn ra một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều khả năng là, giống như Linux bây giờ đã được nhúng trong hầu hết các ứng dụng và dịch vụ thương mại, nhiều ứng dụng của blockchain cuối cùng có thể sẽ trở thành tiêu chuẩn cho công ty lớn, các chính phủ và các ngân hàng trung ương.
Tương tự như vậy, nhiều người cho rằng công nghệ blockchain và công nghệ tài chính chỉ đơn giản là một công nghệ mới để giao hàng – giống như CD-ROM. Trong thực tế, có nhiều khả năng những điều công nghệ blockchain sẽ làm với hệ thống tài chính sẽ giống những gì mà internet đã làm với các công ty truyền thông và các công ty quảng cáo. Việc cơ cấu lại căn bản một phần cốt lõi của nền kinh tế là một thách thức lớn đối với các công ty đương nhiệm đang hoạt động trên đó. Chuẩn bị cho những thay đổi này có nghĩa là đầu tư vào nghiên cứu và thử nghiệm. Những người làm như vậy sẽ có được vị trí xuất phát tốt để tiến lên một cách mạnh mẽ trong một hệ thống tài chính mới đang nổi lên.
All rights reserved