Bài 9 - Làm cách nào để học code hiệu quả?
Bài đăng này đã không được cập nhật trong 3 năm
Chào các bạn! Những bài trước, mình đã giới thiệu với các bạn seri về Bootstrap. Làm quen và cách sử dụng các plugin tiện lợi của Bootstrap. Tất nhiên, seri về bootstrap vẫn còn tiếp tục nhưng để thay đổi không khí, bài này mình sẽ không nói về bootstrap nữa mà mình xin phép chia sẻ cách học code mà cụ thể là học HTML/CSS hiệu quả từ chính những kinh nghiệm của bản thân. Còn về bootstrap, mình sẽ tiếp tục giới thiệu ở những bài sau này.
Ngày nay, với sự bùng nổ của internet, CNTT đã khiến cho chúng ta có rất nhiều cách để học HTML/CSS một cách tốt nhất. Nhưng học như thế nào để khiến cho bản thân mình có thể nắm vững được HTML/CSS một cách thuần thục lại là một vấn đề không nhỏ. Sự ra đời của google đã khiến nhiều người trong chúng ta phụ thuộc nhiều vào đó mà quên rằng nếu một ngày nào đó mà không có mạng internet thì bạn sẽ viết code như thế nào? Bạn thực sự có nhớ được gì để mà viết code không? Câu trả lời là không. Dưới dây mình xin chia sẻ một vài cách học của bản thân về HTML/CSS.
1. Học đi đôi với hành
Bạn chưa biết gì về HTML/CSS. Bạn tìm các tài liệu, video về HTML/CSS và đọc các khái niệm về nó, sau đó ngồi vuốt râu, rung đùi nghĩ rằng "à, cái này hoá ra dùng thế này" nhưng đọc xong cũng chỉ để đó mà không làm theo thì e rằng những thứ mà bạn đọc được cũng chỉ như nước đổ lá khoai, nghe tải phải và ra tai trái mà thôi. Trừ khi bạn là thiên tài siêu việt, đọc một lần rồi nhớ mãi khi thôi khỏi cần bàn. Có điều nếu chỉ nhớ lý thuyết mà không thực hành thì cũng không hẳn là đúng đâu. Người ta nói đoạn đường từ lý thuyết đến thực tế còn xa lắm. Để nhớ được lâu, hiểu rõ về HTML/CSS, bắt buộc bạn phải thực hành ngay sau khi học lý thuyết. Nếu bạn chỉ học lý thuyết mà không thực hành thì bạn sẽ không thể hiểu được bản chất của các tag trong HTML hay các thuộc tính của CSS. Có nhiều khi, bạn đọc lý thuyết và thấy đó là đúng là chuẩn nhưng tới khi ngồi gõ từng dòng code và chạy thì sẽ xuất hiện lỗi ngay lập tức. Nói thật là với bản thân mình, chỉ ngồi đọc lý thuyết suông là mình dễ buồn ngủ lắm. Chỉ có bắt tay thực hành ngay thì mới nhớ được. Việc ngồi gõ từng dòng code theo video, theo tài liệu sau đó tìm lỗi và fix lỗi sẽ khiến bạn nhớ nhiều hơn đấy.
2. Hạn chế Copy & Paste code
Đây có lẽ là lời khuyên được nhiều người nói nhất và mình cũng thấy rất chính xác. Lời khuyên này đúng không chỉ trong trường hợp học code mà còn đúng cho rất nhiều vấn đề khác đấy. Chúng ta đang cần nhớ, cần hiểu về các thẻ, các thuộc tính mà chỉ có chăm chăm đi copy và paste code của người khác về làm của mình thì còn nhớ được cái gì nữa. Là một coder mà chỉ có đi copy và paste thì có khác chi đi học chỉ chuyên nhìn bài người khác, không chịu học hành. Như vậy, bạn sẽ chả có chút kiến thức nào trong đầu mình cả.
Nhớ thời gian đầu tiếp xúc với HTML/CSS, mình còn chẳng biết chút nào về nó cả. Nhìn một đống các tag HTML muốn hoa hết cả mắt lên, còn chẳng phân biệt nổi cái gì là ID, cái gì là Class trong css. Thời gian đó phải tự ngồi gõ từng dòng code của mình, không dùng bất cứ công cụ gợi ý tag nào cả, ngồi gõ chay hoàn toàn. Sau vài chục lần gõ sai tè le, chỗ thiếu thẻ mở, chỗ thiếu thẻ đóng, chỗ sai tên tag, chỗ sai cấu trúc thì dần dần cũng học được cách code HTML. Còn CSS cũng thế, sau khi dùng sai nhiều thuộc tính thì mình đã hiểu được dùng thuộc tính nào trong trường hợp nào thì hợp lý và đúng nhất.
Ví dụ đơn giản như thế này. Khi bạn muốn tạo một dropdown menu chỉ bằng HTML và CSS, bạn có thể lên google, tìm kiếm các đoạn code sau đó bê nguyên đoạn code (bao gồm cả HTML/CSS) về ném vào trong đống code của bạn. Ừ thì cứ cho là nó chạy được đi, nhưng chẳng lẽ những lần sau khi muốn làm về dropdown menu, bạn cũng cứ đi copy và paste của mình như thế? Vậy thì đến khi nào bạn mới có thể học được cách tạo 1 cái dropdown menu đơn giản đây?
Nếu chỉ có chăm chăm đi copy code về, không chịu động não suy nghĩ thì sức sáng tạo của bạn sẽ biến mất dần. Điều đó đồng nghĩa với việc người khác càng ngày càng đi lên còn bạn càng ngày càng thụt lùi. Vì thế, khi chưa thành thạo về HTML/CSS, hãy chịu khó ngồi gõ từng dòng code. Dù hay dù dở thì cũng là của mình. Đến khi bạn thành thạo, hiểu rõ về nó bạn có thể copy code của chính mình và bê đi nhiều nơi để sử dụng thì không sao cả.
3. Tự gõ lại code mà không cần tài liệu
Đây là cách mà mình cho là khá hiệu quả. Sau khi bạn đọc tài liệu, xem các video hướng dẫn, hiểu vấn đề rồi thì hãy tự ngồi gõ lại đoạn code đó. Nếu không gõ được giống ý nguyên như trong tài liệu, video hướng dẫn thì hãy tạo code theo cách hiểu của chính mình. Đoạn code bạn vừa gõ có thể đúng, có thể sai. Đúng thì bạn thật thông minh. Còn sai thì có thể coi lại tài liệu hoặc hỏi một ai đó giảng giải và phân tích giúp bạn xem bạn sai ở chỗ nào. Sau đó hãy tìm cách fix lỗi. Mưa dầm thầm đất, cứ liên tục như vậy sẽ giúp bạn học được rất nhiều và nhớ được rất lâu đấy. Tin mình đi, không lừa bạn đâu.
4. Code, code nữa, code mãi
Câu này sẽ khiến bạn nhớ đến câu nói của thiên tài Darwin "học, học nữa, học mãi" nhỉ. Thực tế, bản chất chẳng khác gì nhau. Bạn muốn giỏi về lĩnh vực nào đó, bạn phải đào sâu, tìm hiểu kỹ về nó, làm nhiều về nó bạn mới giỏi được. Điều này không chỉ là lời khuyên về Code nói riêng mà còn là lời khuyên dành cho rất nhiều lĩnh vực khác nữa. Sai thì sửa, quên thì xem lại, có lỗi tìm cách khắc phục, đào sâu suy nghĩ, google, đọc lại lý thuyết … tự giải quyết vấn đề của mình trước khi nhờ người khác.
5. Học từ nhiều nguồn khác nhau
Trong cái thời đại phát bùng nổ phát triển internet này, bạn không biết tận dụng thì chứng tỏ bạn lạc hậu, đi sau thời đại rồi. Học làm web không như học phổ thông, không như làm toán cứ ráp công thức vô là giải được bài. Làm web mỗi người một cách làm, mỗi sách có những điểm hay điểm dở khác nhau, mỗi thầy giáo có chỗ mạnh chỗ yếu và mỗi trang web cũng có những điểm ưu điểm khuyết. Do vậy bạn có thể tập hợp nhiều nguồn sách, video, ebook, trang web, tutorials v.v.. Việc học từ nhiều nguồn, nhiều tài liệu khác nhau sẽ khiến bạn tiếp xúc được với nhiều cách thức giải quyết vấn đề rồi sau đó đúc kết, chắt lọc ra cách mà bạn cho là tối ưu nhất. Mình đôi khi hay kết hợp nhiều nguồn với nhau và tìm ra cách nào mình thấy dung hòa được tất cả các mặt.
6. Kết luận
Như đã nói trên đây chỉ là kinh nghiệm cá nhân, bạn chỉ nên tham khảo và quan trọng hơn cả là tự tìm ra cách học phù hợp với bạn nhất. Nhưng nói ngắn gọn lại thì nếu đã xác định học lập trình, bạn phải tạo ra cho mình một thói quen tư duy độc lập. Chỉ hỏi khi thực sự hết cách, chỉ hỏi sau khi đã thử rất nhiều cách, chỉ hỏi khi đã suy nghĩ về vấn đề đó rất nhiều lần trong ngày và chỉ hỏi khi bạn thực sự không thể giải quyết được vấn đề. Chúc các bạn may mắn!
All rights reserved