0

AWS Well-Architected là gì? Tại sao doanh nghiệp nên sử dụng?

Ngày nay, cho dù bạn đang phát triển các ứng dụng đám mây trên AWS hoặc hiện đại hóa các ứng dụng hiện có và di chuyển chúng lên AWS. Bạn sẽ phải đưa ra nhiều quyết định trong suốt vòng đời của ứng dụng. Một số quyết định sẽ dựa trên quan điểm hoặc kinh nghiệm, chẳng hạn như sử dụng ngôn ngữ nào hoặc giao diện lập trình ứng dụng (API) nào là cần thiết.

Tuy nhiên, nhiều quyết định mà bạn đưa ra - chẳng hạn như định kích thước cho các instance AWS hoặc loại lưu trữ dữ liệu - nên dựa trên các phương pháp tốt nhất dựa trên dữ liệu. Tiếp cận dựa trên dữ liệu và phương pháp tốt nhất giúp bạn tạo ra một ứng dụng và môi trường ứng dụng được kiến trúc tốt trên AWS.

Đó là điều mà AWS Well-Architected Framework (WAF) đang hướng đến cung cấp "một phương pháp nhất quán cho khách hàng và đối tác đánh giá kiến trúc và triển khai thiết kế sẽ mở rộng theo thời gian". Vậy AWS Well-Architected là gì? Tại sao các doanh nghiệp nên sử dụng?

1. AWS Well-Architected là gì?

AWS Well-Architected là một khung kiến trúc toàn diện được AWS xây dựng dựa trên 6 trụ cột: vận hành xuất sắc, bảo mật, độ tin cậy, hiệu quả năng suất, tối ưu hóa chi phí và tính bền vững - nhằm giúp cho doanh nghiệp xây dựng các hệ thống đám mây hiệu quả, bảo mật, sẵn sàng và có khả năng mở rộng. Khách hàng và đối tác có thể tiếp cận một cách nhất quán để đánh giá kiến trúc và triển khai những thiết kế có thể thay đổi quy mô theo thời gian dựa trên khung kiến trúc AWS Well-Architected.

Hiện nay, AWS đã có sẵn AWS Well-Architected Tool miễn phí trong Bảng điều khiển quản lý AWS, các doanh nghiệp có thể kiểm tra, đánh giá, tối ưu hóa, và quản lý các ứng dụng và kiến trức đám mây nhằm đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu và mục tiêu kinh doanh của họ. 6 trụ cột tạo dựng lên khung kiến trúc toàn diện AWS Well-Architected gồm:

Trụ cột vận hành xuất sắc: giúp doanh nghiệp triển khai và giám sát các hệ thống, đồng thời liên tục cải tiến các quy trình và thủ tục.

Trụ cột bảo mật: nhằm bảo vệ thông tin và hệ thống cho doanh nghiệp, bao gồm tính bảo mật và trung thực của dữ liệu, quản lý quyền hạn và thiết lập kiểm soát để phát hiện sự cố bảo mật.

Trụ cột độ tin cậy: tập trung vào việc thực hiện đúng khối lượng công việc theo nhu cầu của doanh nghiệp và cách hồi phục nhanh chóng sau sự cố, bao gồm các chức năng như thiết kế hệ thống phân tán, lên kế hoạch phục hồi và thích nghi với yêu cầu thay đổi.

Trụ cột hiệu quả năng suất: giúp doanh nghiệp phân bổ tài nguyên công nghệ thông tin và điện toán có cấu trúc và hợp lý hóa bằng cách chọn đúng loại tài nguyên và kích thước được tối ưu hóa theo yêu cầu khối lượng công việc, giám sát hiệu suất và duy trì tính hiệu quả khi nhu cầu doanh nghiệp thay đổi.

Trụ cột tối ưu hóa chi phí: tập trung vào việc tránh các chi phí không cần thiết, tối ưu hóa chi phí khi vận hành. Hệ thống sẽ nắm rõ chi tiêu theo thời gian và kiểm soát phân bổ ngân sách, chọn đúng loại và số lượng tài nguyên, đồng thời thay đổi quy mô để đáp ứng nhu cầu kinh doanh mà không cần chi trả quá mức cần thiết.

Trụ cột tính bền vững: giúp giảm thiểu tác động tới môi trường của việc chạy khối lượng công việc trên đám mây. Trụ cột này giúp doanh nghiệp hiểu rõ các tác động và tận dụng tối đa để giảm thiểu tài nguyên cần thiết và tác động tới hạ nguồn. Với khung kiến trúc AWS Well-Architected toàn diện trên, doanh nghiệp có thể xây dựng các ứng dụng đám mây một cách tin cậy, an toàn và hiệu suất cao.

2. Tại sao Doanh nghiệp nên triển khai chương trình AWS Well-Architected

Khung kiến trúc tối ưu AWS Well-Architected, giúp doanh nghiệp của bạn sử dụng AWS một cách hiệu quả nhất bao gồm các tính năng:

Dự báo chính xác nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp: Với AWS Well-Architected, bạn có thể sử dụng dung lượng nhiều hay ít tùy theo nhu cầu và tự động tăng giảm quy mô mà không cần lo lắng về việc dự đoán sai, gây lãng phí tài nguyên hay giảm hiệu suất khi triển khai.

Tạo được mô hình thử nghiệm: Khi triển khai, bạn có thể tạo môi trường thử nghiệm ở quy mô sản xuất theo yêu cầu, hoàn thành thử nghiệm của mình để mô phỏng quá trình và kết quả khi triển khai trực tiếp.

Tự động hóa để thực hiện thử nghiệm kiến trúc dễ dàng hơn: Tự động hóa cho phép bạn tạo và sao chép khối lượng công việc của mình với chi phí thấp và tối ưu nhất. Bạn có thể theo dõi các thay đổi đối với quá trình tự động hóa của mình, kiểm tra tác động và hoàn nguyên về các tham số trước đó khi cần thiết.

Tự động hóa cải tiến kiến trúc: Hệ thống có khả năng tự động hóa thay đổi, đổi mới mỗi ngày để hệ thống phù hợp hơn với quy mô, yêu cầu kinh doanh và sản xuất của doanh nghiệp. Ngoài ra, khả năng tự động hóa và thử nghiệm theo yêu cầu sẽ giúp doanh nghiệp giảm nguy cơ bị ảnh hưởng do thay đổi thiết kế, cho phép các hệ thống phát triển theo thời gian để các doanh nghiệp có thể tận dụng các đổi mới như một thông lệ tiêu chuẩn.

Resource:


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí