+5

Ảnh hưởng của lý thuyết màu trong thiết kế - Color Theory Influences Design

image.jpg

Màu sắc là yếu tố cơ bản cho mọi thiết kế, và lý thuyết màu dạy cho các nhà thiết kế trên mọi lĩnh vực cách sử dụng phương tiện truyền đạt lợi thế của mình. “Lý thuyết màu thực sự là một lĩnh vực vô cùng rộng mở và hấp dẫn để khám phá,” theo Austin Pittman, giảng viên Học viện Nghệ Thuật Indianapolis. Pittman dạy hàng loạt các khóa học, trong đó có Lý thuyết Màu. Tất cả đều bắt đầu với bánh xe màu, một vòng tròn màu dựa trên ba màu cơ bản - đỏ, vàng và xanh. Issac Newton đã phát triển vòng tròn màu đầu tiên vào năm 1666, nhắc nhở chúng ta rằng lý thuyết màu đã có một lịch sử rất dài.

Lịch sử lý thuyết màu

GoetheFarbkreis1.jpg

“Lý thuyết màu đã có bề dày phát triển suốt 30.000 năm qua,” Jill Morton, tiến sĩ tâm lý kiêm chuyên gia tư vấn màu thương hiệu chia sẻ. “Nó không phải là điều mọi người đột nhiên phát hiện ra. Tổ tiên chúng ta đã vẽ những bức tranh trong các hang động và bắt đầu cho ngôn ngữ thị giác. Và lý thuyết màu cũng đã được biết đến như thế.”

6a00d8341c683453ef011570a5039c970b.jpg

Kelly Berg, chuyên gia màu sắc kiêm nhà thiết kế nội thất nhấn mạnh rằng lý thuyết màu không phải một phát kiến mới. Cô cho rằng những nhà tư tưởng vĩ đại như Leonardo da Vinci và Aristotle đã phát triển hệ màu. “Nhân loại đã sáng tạo ra hệ màu từ thuở sơ khai. Và mỗi hệ màu về bản chất lại đại diện cho lý thuyết chủ quan của tác giả. Tôi nghĩ điều thú vị là chúng ta bằng cách nào đó đã tạo ra một hoặc hai hệ thống tiêu chuẩn, trong khi vẫn còn rất nhiều lối tư duy khác về màu.”

Tâm lý học trong lý thuyết màu

Hiển nhiên khi nói màu sắc là một thành phần quan trọng trong thiết kế và khơi gợi những phản ứng cảm xúc cho người xem.

“Mọi thứ được thiết kế - dù bởi con người hay tự nhiên - đều có một màu sắc và mỗi màu lại tạo ra những phản ứng xúc cảm riêng,” Berg kết luận. “Con người cảm nhận và trải nghiệm màu sắc ở một mức độ tâm lý vô cùng sâu sắc. Đôi khi chúng ta ý thức được về phản ứng của mình, có lúc lại không. Dù bằng cách thức nào, về cơ bản, màu sắc cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến trải nghiệm của chúng ta trong thế giới này từng phút một.”

Trong khi khẳng định rằng không có ý nghĩa phổ quát cho bất cứ màu nào, Morton cũng cho biết các yếu tố tâm lý trong phản ứng của loài người đối với màu sắc có thể bắt nguồn từ tiềm thức. Ví dụ, vì màu đỏ là màu của lửa và máu, nó có thể biểu thị sự nguy hiểm. Thế nên biển báo hiệu dừng lại màu đỏ sẽ tạo ra những phản hồi thích hợp với mọi người.

john-churchman-stop-sign-with-an-intense-red-sunset-in-the-backround.jpg

“Nếu biển báo được sơn màu xanh, bạn sẽ tạo ra mâu thuẫn.” Tuy nhiên, cô cho rằng sở thích cá nhân đóng vai trò trọng đại trong việc lựa chọn màu sắc, nên nó có thể gây nhầm lẫn khi thiết kế cho các dự án và khách hàng.

“Một trong những sai lầm lớn nhất mà mọi người thường mắc phải là để sở thích cá nhân quyết định màu sắc. Điều đó có thể chấp nhận được trong hội họa hay điêu khắc vì nó thể hiện ý đồ nghệ thuật riêng. Nhưng trong lĩnh vực thiết kế, khi thiết kế cho người khác bạn không thể để cảm xúc cá nhân can thiệp.” Morton còn lấy ví dụ về một CEO ngân hàng đã chọn màu sắc yêu thích của mình, màu tím, làm màu chủ đạo cho logo mới. Nhưng nếu ngân hàng đang cố gắng thu hút các khách hàng trung tuổi thì màu tím không phải là lựa chọn tốt nhất vì nó mang hàm ý tang thương đối với thế hệ này. Màu phù hợp nhất cho một ngân hàng uy tín chính là xanh dương, hệ màu này tạo cảm giác trầm ổn, an toàn, đáng tin cậy và được rất nhiều khách hàng tin tưởng sử dụng.

ANZ.jpg

Thiết kế và lý thuyết màu

Lý thuyết màu đóng vai trò rất lớn trong mọi lĩnh vực thiết kế, quá trình chọn màu có sự khác biệt khi thiết kế một căn phòng so với thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, bao bì sản phẩm, website hay giao diện người dùng.

Pittman cho rằng: “Màu sắc trong vài lĩnh vực lại càng quan trọng hơn. Tôi tin rằng có sự hiểu biết tốt sẽ hỗ trợ người nghệ sĩ trên mọi phương diện thiết kế, nhưng tùy thuộc vào vai trò của màu sắc trong lĩnh vực đó mà phát huy nó một cách hiệu quả nhất.” Trong từng trường hợp và quá trình thiết kế, việc chọn mày đúng sai có thể quyết định được thành bại của một dự án. “Thử tưởng tượng nước cam được đựng trong một hộp giấy màu xanh... Rõ ràng nó sẽ khó lòng được bán chạy.”

Innocent-Juice-Packing.jpg

Thậm chính trong thiết kế nội thất, màu sắc còn trở thành yếu tố quan trọng nhất. “Không gì có thể kết nối một không gian lại tốt hơn màu sắc. Sử dụng màu sai trong một căn nhà hay chiến dịch quảng cáo có thế đem đến những hậu quả đáng tiếc. Nên cần cẩn trọng và suy nghĩ kỹ càng cách sử dụng màu trong thiết kế.”

Quan niệm sai lầm nhất về lý thuyết màu chính là sự nhận thức rằng người ngoài ngành công nghiệp thiết kế có thể dễ dàng hiểu về chúng. Mọi người không có kiến thức về thiết kế, thẩm mỹ cho rằng lý thuyết màu là mấy thứ tầm phào và không hề nhìn nhận nó một cách nghiêm túc. Họ không hiểu rằng đây là khoa học, là thành tựu dựa trên 30.000 năm lịch sử nghệ thuật. Ngày nay chúng ta thấy được nhiều hình ảnh trong một ngày hơn tổ tiên mình sống cả đời. Chúng liên tục cập nhật qua web, ti vi, quảng cáo... Phải nắm chắc những quy tắc logic cơ bản này nếu không mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn và vô tác dụng.

Theo: Megan Donley

Tổng hợp và lược dịch: Hoàng Phương Loan


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí