+5

AngularJS with Rails app guide - Part 01

Chào các bạn, hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về AngularJS hay còn gọi là Angular version 1.x. Mặc dù Angular hiện tại đã đến version 7.x.x rồi nhưng 1.x vẫn chưa bao giờ chết và vẫn được sử dụng rộng rãi, chí ít là trong các dự án thực tế.

Chú ý:

Angular version 1.x được gọi là AngularJS.

Angular version 2.x trở lên thì được gọi là Angular.

Link tham khảo: https://angular.io/guide/ajs-quick-reference

Dưới đây là những lý do tại sao AngularJS vẫn được lựa chọn làm ngôn ngữ client ưu tiên nhất trong dự án:

  • Dễ làm quen với người mới: So sánh với React hoặc Angular thì AngularJS dễ làm quen hơn rất nhiều lần.
  • Dự án thực tế luôn cần sự chắc chắn trong việc vận hành cả project: Nên giữa việc chọn ngôn ngữ client nhiều rủi ro như Angular và lựa chọn bao năm qua mọi project khác vẫn chọn như AngularJS thì tất nhiên AngularJS sẽ chiếm ưu thế.
  • Việc review dễ dàng và nhanh chóng hơn: Hầu hết mọi Leader trong dự án đều rất rất rất rành rõi trong AngularJS nên việc review code AngularJS sẽ nhanh và tạo sự chắc chắn hơn rất nhiều so với review code Angular.
  • Bổ sung nhân sự dễ dàng hơn: Giả sử dự án có người nghỉ việc thì sẽ rất khó kiếm được 1 người rành rõi Angular mà thay thế, nhưng tìm một người rành AngularJS thì lại dễ hơn rất nhiều.

Bên trên là một trong những lý do cơ bản nhất để giải thích vì sao không chọn Angular x.x mà lại chọn AngularJS. Giờ chúng ta bắt đầu phần cơ bản nhất nào:

Cài đặt

Bài viết này sẽ sử dụng Rails, AngularJS và Bootstrap nhé các bạn.

rails new learn-angularjs -d mysql
cd learn-angularjs
rails g controller StaticPage show

Thêm routes:

 root to: "static_page#show"

Chạy server:

rake db:create
rake db:migrate
rails s

Thêm AngularJS vào rails app

Chạy đoạn lệnh sau:

touch app/assets/javascripts/angular/app/user_app.js
mkdir app/assets/javascripts/angular/lib

Thêm đoạn code sau vào user_app.js vừa tạo - Tạm thời chưa cần hiểu, lát setup xong chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần dưới:

(function() {
  angular.module('userApp', [])
})();

Vào đây để tải phiên bản bạn muốn, bài viết lựa chọn phiên bản 1.7.5. Bạn tải 2 file phía dưới nhé:

angular.min.js
angular.min.js.map

Thêm require trong application.js:

//= require rails-ujs
//= require activestorage
//= require angular/lib/angular.min
//= require angular/app/user_app
//= require_tree .

Thêm ng-app vào trong thẻ body của application.html.erb:

<!DOCTYPE html>
<html>
  <head>
    <title>LearnAngularjs</title>
    <%= csrf_meta_tags %>
    <%= csp_meta_tag %>

    <%= stylesheet_link_tag "application", media: "all" %>
  </head>

  <body ng-app="userApp">
    <%= yield %>
    <%= javascript_include_tag "application" %>
  </body>
</html>

Cấu trúc file:

File application.js:

File application.html.erb:

Chạy thử code xem đã hoàn thành cài đặt AngularJS chưa:

# File app/views/static_page/show.html.erb:

{{1 + 1}}

Nếu kết quả ra là 2 thì đã hoàn thành, ngược lại nếu hiển thị {{1 + 1}} thì bạn restart server và thử lại sẽ có kết quả đúng.

Thêm Bootstrap 4 vào Rails app

Bạn có thể vào Trang chủ đọc Docs để hiểu thêm nhé hoặc làm theo hướng dẫn dưới nếu không muốn đọc Docs:

Thêm gem bootstrap và jquery:

gem "bootstrap", "~> 4.1.3"
gem "jquery-rails"

Tạo mới một base.scss để require bootstrap vào:

touch app/assets/stylesheets/base.scss

với nội dung như sau:

@import "bootstrap";

Thêm các require sau vào application.js:

//= require jquery3
//= require popper
//= require bootstrap-sprockets

Thay đổi app/views/static_page/show.html.erb để xem thử được chưa:

<h1>{{1 + 1}}</h1>
<button type="button" name="button" class="btn btn-primary">Click here</button>

Sau khi đã hoàn thành, restart server và kiểm tra kết quả:

File Gemfile:

File application.js:

File base.scss:

File app/assets/javascripts/angular/app/user_app.js:

Như vậy đã xong phần cài đặt, bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu AngularJS nào.

Phần 1

1. AngularJS modules và cách sử dụng:

# app/assets/javascripts/angular/app/user_app.js

(function() {
  angular.module('userApp', [])
})();

a.Giải thích:

angular.module('userApp', [])

Theo trang chủ thì câu lệnh trên tạo ra app AngularJS với tên là userApp bằng cú pháp:

angular.module(tham số 1, [tham số 2, tham số 3])

  • Tham số 1: Tên của app cần khởi tạo.
  • Tham số 2: Các module khác cần sử dụng bên trong module hiện tại.

Như vậy câu lệnh trên đã tạo ra App AngularJS với tên userApp.

(function(){
  ...
})();

Câu lệnh trên được gọi là self invoked function trong JS. Ngay khi vừa được tạo ra, nó sẽ tự động chạy nội dung bên trong mà không cần gọi đến.

b. Sử dụng:

Để có thể dùng userApp vừa tạo, chúng ta thêm attribute ng-app hoặc data-ng-app vào trong thẻ HTML bất kỳ.

<!DOCTYPE html>
<html>
  <head>
    <title>LearnAngularjs</title>
    <%= csrf_meta_tags %>
    <%= csp_meta_tag %>

    <%= stylesheet_link_tag "application", media: "all" %>
  </head>

  <body ng-app="userApp">
    <%= yield %>
    <%= javascript_include_tag "application" %>
  </body>
</html>

Như trên chúng ta đã cho AngularJS biết ta sẽ sử dụng userApp từ thẻ <body> vào trong. Tức là mọi code AngularJS nằm bên trong thẻ <body> sẽ chạy được, còn bên ngoài thì không.

c. Sự khác nhau của ng-app và data-ng-app:

Khi chúng ta validate field trong HTML5 thì nên sử dụng data-ng-app, khi sử dụng ng-app thì HTML5 sẽ show lỗi ng-app không hợp lệ. Vì HTML5 chỉ chấp nhận những custom attribute có prefix là data-. Tìm hiểu thêm sự khác biệt đó tại đây.

Phần 2

AngularJS hỗ trợ mô hình MVC với:

Model: Là dữ liệu lấy từ phía Server (như Rails, Node, ...).

View: Là các logic để hiển thị dữ liệu.

Controller: Nơi chứa các logic để nhận data, tính toán, update, ...

1. Cách hiển thị danh sách các data với Rails và AngularJS:

a. Tạo Controller:

Controller là nơi đứng giữa ModelView: nhận data từ Model, xử lý bla bla sau đó chuyển cho View hiển thị. View nhận request từ User, chuyển sang Controller xử lý bla bla, xong nếu cần thì chuyển xuống Model và lặp lại như ban đầu.

Controller được tạo ra bằng lấy Module object gọi controller.

Cú pháp: angular.module("userApp").controller(Tham số 1, Tham số 2);

  • Tham số 1: Tên của controller.
  • Tham số 2: Function thực hiện logic của controller.

Thực hiện câu lệnh sau để tạo mới Controller:

mkdir app/assets/javascripts/controllers
touch app/assets/javascripts/controllers/static_page_controller.js

Sau khi tạo xong, thêm nội dung như sau:

"use strict";

angular.module("userApp").
    controller("staticPageController", staticPageController);
    
function staticPageController() {
  var vm = this;
}

Giải thích:

"use strict"

Thêm dòng này trước mỗi file JS sẽ bắt buộc toàn bộ variable trong file nếu không được khai báo sẽ báo lỗi và nhiều thứ khác liên quan đến việc khai báo biến. Tại sao lại phải cần đến "use strict"?

Với mong muốn viết JS một cách cẩn thận hơn, trình duyệt sẽ thông báo lỗi mỗi khi quên khai báo biến thì "use strict" sẽ hữu dụng. Tham khảo thêm tại đây.


angular.module("userApp").
  controller("staticPageController", staticPageController);
    
function staticPageController() {
  var vm = this;
}
  • angular.module("userApp"): trả về module với tên userApp mà ta đã khởi tạo.
  • angular.module("userApp").controller("staticPageController", staticPageController): Khởi tạo controller với tên staticPageController ở tham số 1, tham số 2 sẽ là function cùng tên staticPageController.

b. Sử dụng Controller:

Tương tự với Module, để sử dụng Controller cần thêm attribute ng-controller vào trong thẻ HTML như sau:

<div ng-controller="staticPageController as vm">
</div>

Sau đó còn phải require nó vào để Rails biết mà chạy:

# app/assets/javascripts/application.js

//= require rails-ujs
//= require activestorage
//= require jquery3
//= require popper
//= require bootstrap-sprockets
//= require angular/lib/angular.min
//= require angular/app/user_app
//= require_tree ./angular/controllers/ <==========  Thêm line này.
//= require_tree .

Xong, giờ để test thử Controller chạy được chưa, ta thêm function test() vào một button, khi ấn vào button sẽ show log 'Ready'.

# app/assets/javascripts/angular/controllers/static_page_controller.js

"use strict";

angular.module("userApp")
  .controller("staticPageController", staticPageController);

function staticPageController() {
  var vm = this;

  vm.test = function() {
    console.log('Ready');
  }
}
# app/views/static_page/show.html.erb

<div ng-controller="staticPageController as vm">
  <button type="button" name="button" ng-click="vm.test()">Click here</button>
</div>

Khi chạy sẽ ra kết quả sau:

c. Hiển thị danh sách các data:

# app/assets/javascripts/angular/controller/static_page_controller.js:

"use strict";

angular.module("userApp")
 .controller("staticPageController", staticPageController);

function staticPageController($scope) {
 var vm = this;
 var models = {
   user: "Test user",
   items: [
     {action: "Test action 1", done: false},
     {action: "Test action 1", done: false},
     {action: "Test action 3", done: true}
   ]
 };

 $scope.models = models;
}

Trong function staticPageController trên mình vừa thêm tham số $scope, lưu ý rằng mọi tham số với prefix là $ sẽ từ AngularJS cung cấp. Tuy nhiên nếu khai báo bậy sẽ xuất hiện lỗi.

$scope được định nghĩa sẵn và riêng biệt bởi từng Controller khác nhau, nó có nhiệm vụ nhận data, function và hiển thị ra View.

Trong đoạn code trên ta đã tạo mới variable models và gán nó vào $scope.models.

Tiếp theo, để hiển thị lên View thì:

<div ng-controller="staticPageController as vm" class="container">
    <div class="py-5 text-center">
      <h1>Test app with user's name: "{{models.user}}"</h1>
      <p class="lead">Items length is: {{models.items.length}}</p>
    </div>
    <div class="row">
      <div class="table-responsive">
        <table class="table table-striped table-sm">
          <thead>
            <tr>
              <td>Description</td>
              <td>Done</td>
            </tr>
          </thead>
          <tbody>
            <tr ng-repeat="item in models.items">
              <td>{{item.action}}</td>
              <td>{{item.done}}</td>
            </tr>
          </tbody>
        </table>
      </div>
    </div>
</div>

Ở phần View trên ta đã sử dụng cú pháp hiển thị giá trị variable trong AngularJS - {{...}}, bên trong cặp ngoặc này sẽ hiểu toàn bộ code JS.

Ngoài ra còn sử dụng directive để hiển thị danh sách, cụ thể ở trên ta đã sử dụng attribute ng-repeat để gọi tới directive cho phép loop trong array ra các phần tử element. Như trên thì đang loop trong models.items ra các thanh niên item và gán nó tên là item.

Kết quả như sau:

Đến đây chúng ta đã hiểu các vấn đề sau:

  • Lý do sử dụng AngularJS và tại sao AngularJS vẫn được sử dụng rộng rãi mặc dù có nhiều phiên bản tân tiến hơn.
  • Biết cách tạo Rails app và AngularJS một cách nhanh nhất. Ngoài cách này ra còn cách sử dụng npm để cài đặt nhưng rất ít khi được sử dụng cách này. Mình cũng nghĩ không nên sử dụng npm vì khá phiền khi cài đặt.
  • Hiểu khái quát về mô hình MVC trong AngularJSRails.
  • Demo nho nhỏ về ng-repeat.

Đến đây đã thấy bài viết dài rồi, mình xin tạm dừng tại đây. Hẹn gặp các bạn ở phần 02.


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí