0

Nghề Testing trong lĩnh vực công nghệ cao

Công nghệ phát triển là không chỉ là thành quả của những bộ phận R&D đầy sáng tạo và mạo hiểm, mà còn là công sức của 1 bộ phận âm thầm không kém phần quan trọng đứng phía sau. Đó là công đoạn Testing - kiểm tra chất lượng sản phẩm.

I. Vai trò của testing trong R&D và Production

Trong thế giới CNTT ngày nay, hai từ công nghệ luôn đi kèm với ý nghĩa và tốc độ vũ bão của nó. Các công ty lớn nhỏ trên thế giới cạnh tranh nhau gay gắt về công nghệ, đưa ra những kiến trúc cao hơn, mạnh hơn, nhanh hơn, chính xác hơn và rẻ hơn. Công nghệ phát triển là không chỉ là thành quả của những bộ phận R&D đầy sáng tạo và mạo hiểm, mà còn là công sức của 1 bộ phận âm thầm không kém phần quan trọng đứng phía sau để làm nền tảng cũng như bảo đảm cho những công nghệ ấy được mang đến cho người sử dụng thông qua các sản phẩm ổn định, đó là bộ phận testing.

Bộ phận testing, hay ngành testing nói chung có nhiệm vụ bảo đảm các sản phẩm, ứng dụng bắt nguồn từ những công nghệ mới đảm bảo những tiêu chí kỹ thuật được đề ra, thử nghiệm sản phẩm/ứng dụng với nhiều môi trường tùy biến khác nhau, tìm và phát hiện những lỗi mang tính ứng dụng hoặc thậm chí những lỗi mang tính công nghệ với mục đích cuối cùng là bảo đảm sản phẩm khi đến tay người sử dụng phải là tốt nhất, nhanh nhất và ổn định nhất.

Ngành testing đóng vai trò rất quan trọng đối với khâu R&D, vì nó hoạch định chiến lược nghiên cứu và ứng dụng, có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tài chính của các hãng công nghệ cao. Trong khâu sản xuất (production), ngành testing bảo đảm các sản phẩm được làm ra đạt được tiêu chí và tiêu chuẩn kỹ thuật đã đề ra, từ đó đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như phát hiện sớm những lỗi kỹ thuật sinh ra từ quá trình sản xuất. Ngành testing còn đóng một vai trò quan trọng trong khâu hậu mãi, ghi nhận các ý kiến, đề xuất hoặc các báo cáo hỏng hóc từ người sử dụng để từ đó đưa ra những điều chỉnh công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.

II. Xu hướng Outsource ngành testing

Như đã thấy, testing đóng một vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ cao và các công ty thường dành một phần ngân sách rất lớn vào các bộ phận testing của mình. Cisco System dành hơn 6% tổng chi phí vào trong ngành testing trong cả 2 khâu tiền sản xuất (pre-audit) và hậu mãi (post-sale), con số đó có thể cao hơn với những công ty chỉ thuần về công nghệ như Oracle, hay điển hình nhất là Microsoft, với hàng tỷ USD hàng năm dành cho bộ phận testing của mình.

Những công ty chuyên về testing oursourcing thường có một lực lượng kỹ sư chuyên nghiệp, những thiết bị dùng cho chuyên ngành testing tốt nhất và thường có ít nhất từ vài chục đến vài trăm khách hàng khác nhau. Những công ty testing outsourcing lớn có thể có đến hàng nghìn kỹ sư làm việc ở nhiều nước khác nhau và nắm những công nghệ phức tạp nhất trong ngành CNTT ngày nay.

III. Testing ở Việt Nam phát triển như thế nào?

Ngành testing, hay outsourcing testing ở Việt Nam đã manh nha phát triển giai đoạn những năm gần đây, mặc dù quy mô còn nhỏ, và chỉ giới hạn ở một vài lĩnh vực trong đó phải kể đến Software Testing và Network Product Testing. Trước đây, hầu hết các hợp đồng testing này đều xuất phát ở những công ty công nghệ cao đến từ Sillicon Valley, Irvine v.v… nhằm tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ và sự cần cù của các kỹ sư Việt Nam, và công việc đơn thuần là những thao tác đơn giản như được hoạch định sẵn bởi các kỹ sư và quản lý dự án người nước ngoài. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã có những thay đổi rõ rệt về quan điểm cũng như sự nhìn nhận đánh giá khả năng đúng đắn của các đối tác nước ngoài về trình độ của các kỹ sư Việt Nam, do đó nhiều công ty outsourcing đã mạnh dạn xây dựng những đội ngũ kỹ sư giỏi, và mạnh dạn tìm đến những đối tác khác trên thế giới để xúc tiến công việc của mình, với đội ngũ kỹ sư Việt Nam làm nòng cốt.

Nói về testing outsourcing, có thể nghĩ ngay đến những điển hình thành công của các công ty Việt Nam như Global CyberSoft, TMA, PSV v.v… và ngày càng có nhiều công ty khác nhau được thành lập để chuẩn bị cho làn sóng outsourcing màu mỡ này. Cùng với R&D, Software Developing, Technology Testing cũng đang dần trở thành 1 mũi nhọn của CNTT Việt Nam vươn ra tầm mức thế giới.

IV. Nghề nghiệp Testing Engineer

Trước hết, một Testing Engineer phải là một master về công nghệ mà họ đang test, khác với những Field Engineer đi lắp đặt và cấu hình, Tester phải hiểu tường tận công nghệ đến mức thấp nhất, kể các cấu trúc protocol stack, từng Field, Bit, Byte, v.v… vừa cụ thể vừa toàn diện để đảm bảo mức chính xác 100%, vốn là yêu cầu mặc định của mọi khách hàng.

Một Testing Engineer ngoài kiến thức chuyên môn cao, còn phải là một người làm việc hết sức chi tiết (detail-oriented), vì testing đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và sự kiên nhẫn cao độ. Bạn có thể phải “thử” hàng nghìn, chục nghìn trường hợp khác nhau để có thể đưa ra một kết luận mà người khác xem là hiển nhiên mặc định. Sự nóng vội, hấp tấp luôn là kẻ thù lớn nhất của công việc testing. Trong một vài khía cạnh nào đó, một Tester cũng có thể xem như một Hacker. Nếu chỉ đơn thuần là trình độ, sự kiên định và cẩn thận, thì người Tester có khác chi một công nhân bậc cao hay hay cái máy? Một đức tính khác mà những người Tester cần là sự nhạy bén và sáng tạo trong công việc, vì nó sẽ giúp Tester tìm ra những lỗ hổng, những lỗi phức tạp mà các kỹ sư phát triển, nhà sản xuất cũng không thể ngờ đến được. Một mindset của người kỹ sư Testing thường mang trong mình là “không có gì là không thể”

Sự trung thực, và đạo đức công việc cũng là một trong những yếu tố quan trọng đối với một Testing Engineer. Trong ngành Testing, việc tiếp xúc và nắm giữ những công nghệ mới, biết được những lỗ hổng quan trọng của các công nghệ, sản phẩm xem như bạn đang nắm trong mình những bí mật công nghiệp đôi khi có ảnh hưởng rất lớn. Do đó hầu hết các nhà tuyển dụng Testing đều đặt vấn đề trung thực và đạo đức công việc lên rất cao, và có thể bạn bị rớt ngay từ vòng đầu nếu bạn không đạt yếu tố này.

Nhìn bên ngoài có vẻ là một công việc rất nhàm chán, đôi khi bạn cảm thấy bị lạc lỏng hay thậm chí mất định hướng trong công việc, tự hỏi rằng “mình đang làm gì?”, những lúc như thế cấp quản lý của bạn có thể giúp bạn ít nhiều, nhưng quan trọng nhất bạn phải biết cách tự định hướng cũng như tự động viên mình để có động lực làm việc, cũng như tìm hướng ra cho mình, đưa mình về quỹ đạo công việc hiệu quả.

Theo Connection Magazine


All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí