+1

Từ ý tưởng đến sản phẩm: Kế hoạch hoàn hảo cho sản phẩm trong Agile

Việc tạo ra một sản phẩm thành công đòi hỏi sự chú ý đến từng chi tiết của sản phẩm (sự tương tác người dùng, thiết kế giao diện, các chức năng, công nghệ, vv). Tuy nhiên, đôi khi chú trọng quá nhiều vào chi tiết khiến chúng ta đi vào lạc lối. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm và tránh đi vào lạc lối, ta có thể lập ra một bản kế hoạch. Kế hoạch cho sản phẩm trong Agile bao gồm ba cấp độ: tầm nhìn, chiến lược sản phẩm và chiến thuật. Trong đó: tầm nhìn là mục tiêu bao quát, chiến lược sản phẩm là đường dẫn đến tầm nhìn và các chiến thuật là các bước dọc theo con đường được minh họa như với sơ đồ dưới đây:

Mức độ chi tiết tăng từ tầm nhìn đến chiến thuật: – Tầm nhìn thường là một tuyên bố ngắn gọn. – Chiến lược tập trung vào các khía cạnh khác nhau bao gồm cả thị trường hoặc phân khúc thị trường mục tiêu, giá sản phẩm và các kênh/ điểm phân phối sản phẩm. – Các chiến thuật đi vào chi tiết hơn hơn bằng cách mô tả chi tiết cách sản phẩm được sử dụng. Ví dụ: User story, các bản thiết kế phác thảo.

Với phạm vi bài viết này, tôi chỉ đi sâu vào sử dụng Vision Board để tóm lược vision(tầm nhìn) và product strategy (chiến lược sản phẩm).

VISION BOARD LÀ GÌ?

Vision Board là một bảng tóm tắt các hiểu biết hiện có về người dùng và các khách hàng, nhu cầu các sản phẩm cần phải giải quyết, các tính năng quan trọng của sản phẩm, giá trị sản phẩm sẽ tạo cho doanh nghiệp .

Các thông tin trên bảng cần được viết ngắn gọn, súc tích và đơn giản. Chúng ta chưa cần đi sâu vào chi tiết như viết personas và user story, hay tạo ra một bản phác thảo thiết kế ở giai đoạn này vì hai lý do sau: – Hiểu biết người dùng và khách hàng chưa đủ để viết personas và để mô tả sản phẩm chi tiết hơn. – Các thông tin chi tiết nên được hiển thị tốt nhất của các công cụ khác: Product Canvas hoặc Product backlog.

Bảng này sẽ giúp bạn: – Chỉnh lý lại các suy nghĩ trong đầu sao cho ngắn gọn, súc tích và dễ hiểu nhất. – Là công cụ để chia sẻ suy nghĩ với các thành viên khác trong team và đối tác phát triển. – Là công cụ để kiểm tra tính đúng/ sai của chiến lược sản phẩm.

TỔNG QUAN VỀ VISION BOARD:

I – Tầm nhìn ( Vision)

Việc lập kế hoạch cho sản phẩm bắt đầu với việc tạo ra tầm nhìn.

Tầm nhìn là một bản tóm tắt ngắn gọn trong vòng 2 câu mô tả ý định và động lực của ý tưởng, nó như một mục tiêu chung, tổng thể của dự án. Tầm nhìn thường là câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao?” – “Tại sao bạn lại muốn làm sản phẩm này?” Tầm nhìn không đề cập đến một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể. Nó giống với một mục tiêu kinh doanh hơn. Việc làm thế nào để đạt được mục tiêu sẽ được quyết định trong chiến lược sản phẩm.

Ví dụ: Tầm nhìn tôi đặt ra ở đây là: ”Giúp mọi người có thói quen ăn uống lành mạnh hơn”. Chiến lược của tôi là : "Tạo một phần mềm giúp mọi người ăn kiêng lành mạnh, kiểm soát khẩu phần ăn hàng ngày và đề xuất thực đơn." Việc có được tầm nhìn đóng vai trò quan trọng, giúp ta không bị lạc lối khi đi sâu vào chi tiết trong chiến lược sản phẩm.

II – Chiến lược sản phẩm

Có 3 yếu tố chính để tạo nên một chiến lược tốt : Nhóm mục tiêu/ nhu cầu của thị trường, sản phẩm và giá trị của sản phẩm.

1. Nhóm mục tiêu: Mô tả thị trường hoặc phân khúc thị trường mà bạn muốn tham gia bằng cách trả lời câu hỏi:

  • Ai là người có khả năng được hưởng lợi từ sản phẩm?
  • Ai sẽ là khách hàng – người sử dụng sản phẩm?

Nhu cầu: Làm rõ lý do tại sao mọi người sẽ muốn sử dụng và mua sản phẩm của bạn, và những gì làm nên giá trị của sản phẩm bằng cách trả lời câu hỏi:

  • Tại sao mọi người sẽ muốn mua và sử dụng sản phẩm ?
  • Sản phẩm giúp khách hàng tránh được điều gì ?
  • Lợi ích sản phẩm mang lại cho người dùng là gì ?

2. Sản phẩm: Mô tả sản phẩm của bạn qua các câu hỏi:

  • Sản phẩm của bạn là gì?
  • Điều gì làm nó đặc biệt? Tùy thuộc vào sản phẩm của bạn, điểm đặc biệt ở đây có thể là các tính năng đặc biệt, thiết kế và kinh nghiệm người dùng tốt, hoặc các công nghệ mới.
  • Những tính năng nào thật sự cần thiết ?
  • Mô tả 3-5 tính năng làm cho sản phẩm của bạn nổi bật?

Không phải lúc nào có quá nhiều tính năng cũng là tốt. Việc nghĩ ra quá nhiều tính năng đôi khi biến sản phẩm của bạn thành mớ hổ lốn features collection không trọng tâm đồng thời cũng làm tăng chi phí cho sản phẩm.Vì vậy, dừng lại ở việc liệt kê đối đa 5 tính năng là phù hợp đối với sản phẩm của bạn.

3. Giá trị: Giải thích lý do tại sao sản phẩm đáng giá cho công ty của bạn để đầu tư:

  • Lợi ích của việc đầu tư này là gì ? Nó có thể đem lại những lợi ích kinh doanh mong muốn (ví dụ, tăng thu nhập, thâm nhập vào một thị trường mới, giảm chi phí hay tạo cơ hội để bán một sản phẩm khác) hoặc để phát triển thương hiệu và được biết đến vv... Việc phát triển thương hiệu đôi khi có hiệu quả ngang với tăng thu nhập hay mở rộng thị trường
  • Mục tiêu kinh doanh là gì ?

III – Vision Board và Mô hình kinh doanh Sau khi quyết định chiến lược sản phẩm, ta có thể phân tích kỹ hơn mô hình kinh doanh (Bussiness Model Canvas) Mô hình kinh doanh giải thích kỹ hơn vể sản phẩm, bao gồm các đối thủ cạnh tranh, các đối tác, các kênh bán hàng, các nguồn thu, và các yếu tố chi phí. Mô tả và thử nghiệm những ý tưởng mô hình kinh doanh là đặc biệt quan trọng khi bạn phát triển một thương hiệu sản phẩm hay mở rộng thị trường hiện có.

1- Đối thủ: Tập trung vào nghiên cứu đối thủ của bạn, từ đó tạo ra sản phẩm khác biệt và có lợi thế cạnh tranh. Có hai câu hỏi chính cần phải trả lời ở phần này:

  • Đối thủ chính của sản phẩm này là gì?
  • Điểm mạnh/ điểm yếu của họ là gì?

2- Nguồn doanh thu:

  • Doanh thu của sản phẩm bắt nguồn từ đâu?
  • Phải làm gì để tạo ra nguồn doanh thu này?

3- Giá thành:

  • Đâu là yếu tố chính tạo nên giá thành : phí phát triển sản phẩm, bán hàng, logistic dịch vụ hậu mãi?
  • Hoạt động nào có giá thành cao nhất?

4- Phân phối:

  • Bạn sẽ phân phối sản phẩm theo cách nào? Làm cách nào để sản phẩm tiếp cận với người tiêu dùng?
  • Kênh phân phối đó đã có sẵn chưa hay phải xây dựng từ đầu?

IV- Nghiên cứu và đánh giá Vision Board

Chiến lược kinh doanh và mô hình kinh doanh là con đường đến tầm nhìn sản phẩm, đôi khi chúng ta có thể chọn sai đường, nhất là với những sản phẩm mới. Vì vậy chúng ta phải thường xuyên nghiên cứu, đánh giá và điều chỉnh.

Việc nghiên cứu nên bắt đầu từ những yếu tố bạn thấy không chắc chắn nhất và tập trung vào chúng. Điều này giúp ta kiểm chứng được suy đoán của bản thân, thường thì nhận ra sai lầm và điều chỉnh càng sớm thì chi phí thay đổi và sửa chữa càng giảm.

Chẳng hạn, trên Vision Board, tôi cảm thấy điều tôi không chắc chắn nhất là Need – yêu cầu của người dùng. Điều này dẫn đến nguy cơ sản phẩm không cung cấp được nhiều giá trị cho người dùng như tôi tưởng. Vì vậy, tôi phải tiến hành một loạt các cuộc phỏng vấn, trò chuyện với khách hàng, làm survey thu thập dữ liệu để kiểm tra suy đoán của bản thân, qua đó cải thiện chất lượng sản phẩm theo chiều hướng tích cực nhất. Những biện pháp này giúp ta hiểu được những nhóm mục tiêu tốt hơn, và đánh giá giá trị thực của ứng dụng sau đó cập nhật thay đổi lên Vision Board để nó luôn phản ánh tư duy mới nhất. Điều này sẽ tạo hiệu quả rất tốt nhằm tạo nên chất lượng tốt nhất cho sản phẩm, đáp ứng sự hài lòng của khách hàng và góp phần giảm thiểu chi phí cải tiến và nâng cấp sản phẩm. Hi vọng sau bài viết này, bạn đọc sẽ tự xây dựng được một hoặc nhiều hơn các Vision Board cho chiến lược kinh doanh sản phẩm của mình.

Bài viết được tham khảo thông tin từ nguồn tài liệu dưới đây:

  1. https://www.mountaingoatsoftware.com/blog/building-a-product-users-want-from-idea-to-backlog-with-the-vision-board
  2. https://www.maxcode.net/software-development/building-a-software-product-vision/

All rights reserved

Viblo
Hãy đăng ký một tài khoản Viblo để nhận được nhiều bài viết thú vị hơn.
Đăng kí